Tin tức mới nhất về xét xử BS Lương: Có dấu hiệu của việc ‘mớm cung’?

authorHòa Lê 10:35 30/05/2018

(VietQ.vn) - Quan điểm của các luật sư cho rằng, cơ quan điều tra (CQĐT) có dấu hiệu vi phạm hoạt động hỏi cung khi cho bác sĩ Hoàng Công Lương xem sổ giao ban biên bản họp khoa khi lấy lời khai.

Sự kiện: Xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sau 12 ngày xét xử và bốn ngày dành cho các luật sư của bác sĩ Hoàng Công Lương đưa ra quan điểm bào chữa, cuối buổi chiều qua (29/5) đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại tòa đã đưa ra quan điểm đối đáp.

Theo đó, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng bác toàn bộ quan điểm của các luật sư cho rằng cơ quan điều tra (CQĐT) có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra vụ án. Về việc không có ghi âm ghi hình các buổi hỏi cung, theo VKS để triển khai trong thực tiễn cần lộ trình và thời gian chuẩn bị phương tiện kỹ thuật.

Tin tức mới nhất vụ bác sĩ Hoàng Công Lương: Có dấu hiệu của việc ‘mớm cung’?

 Bị cáo Lương và ông Hoàng Công Tình đến phiên tòa ngày 29/5. Ảnh: Định Nguyễn

Cụ thể tháng 2/1018 Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình khi hỏi cung, trong vụ án này không có bản cung nào lấy vào thời điểm thông tư này có hiệu lực nên không cần thiết, bắt buộc phải ghi âm, ghi hình.

Về quan điểm của các luật sư cho rằng CQĐT có dấu hiệu vi phạm hoạt động hỏi cung khi cho bác sĩ Hoàng Công Lương xem sổ giao ban biên bản họp khoa khi lấy lời khai, theo VKS việc này xảy ra sau khi bác sĩ Lương khai về sổ giao ban.

VKS đưa ra căn cứ, ngày 30/6/2017, CQĐT thu giữ từ điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công 3 cuốn sổ giao ban. Trước thời điểm này, bác sĩ Lương đã có hai bản khai thể hiện rõ nhiệm vụ được phân công phụ trách về chuyên môn tại đơn nguyên thận nhân tạo. Do bác sĩ Lương không nhớ rõ thời gian nên CQĐT đã cho bị cáo xem sổ giao ban. "Việc này không mang dấu hiệu mớm cung vì bị cáo đã khai trước đó", VKS lập luận.

Tin tức mới nhất vụ bác sĩ Hoàng Công Lương: Dần hé lộ người 'đứng sau’ chỉ đạo?(VietQ.vn) - Sáng 29/5, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Lương đã bước sang ngày làm việc thứ 11.

Cũng tại phiên xét xử BS Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ án xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình chiều 29/5, đại diện Bộ Y tế có mặt tại toà để làm rõ nhiều nội dung trong công văn trả lời cơ quan điều tra.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, ông là người thừa lệnh Bộ trưởng ký 2 công văn gồm công văn 4342 ngày 2/8/2017 gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình và công văn số 2322 ngày 27/4/2018 gửi Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương.

Sở dĩ HĐXX cho triệu tập đại diện Bộ Y tế do phần trả lời có sự khác nhau giữa 2 công văn dù cùng câu hỏi. Nội dung này đã được LS Trần Hồng Phúc đề cập trong phiên xử cuối tuần trước.

Cụ thể, cơ quan điều tra có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị làm rõ 6 câu hỏi, trong đó nội dung câu số 4: “Sau khi sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, có cần thiết phải xét nghiệm, kiểm tra, sinh hoá, tiêu chuẩn nước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng không, căn cứ vào văn bản hướng dẫn cụ thể nào?”.

Trong công văn 4342, Bộ Y tế trả lời: “Sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, nhất nhất phải làm xét nghiệm để kiểm tra chất lượng nước có phù hợp với tiêu chuẩn AAMI (gồm 25 chỉ tiêu) hay không. Việc xét nghiệm tồn dư hoá chất là bắt buộc, đồng thời khuyến cáo xét nghiệm thêm vi khuẩn và độc tố Endotoxin”.

Tin tức mới nhất vụ bác sĩ Hoàng Công Lương: Có dấu hiệu của việc ‘mớm cung’?

 Ông Nguyễn Huy Quang, đại diện Bộ Y tế tại phiên toà. Ảnh: Vietnamnet

Tuy nhiên trong công văn 2322, Bộ Y tế nói chưa có quy trình sửa chữa, thay thế với hệ thống RO nên thực hiện theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Đồng thời khẳng định, hiện chưa có văn bản nào quy định phải kiểm tra tất cả các chỉ tiêu, tiêu chuẩn của AAMI sau khi khi bảo dưỡng.

HĐXX yêu cầu giải thích rõ sự khác biệt, một cái là bắt buộc, một cái là khuyến cáo, ông Quang cho rằng 2 công văn này không có mâu thuẫn, việc trả lời 4342 là dựa theo hợp đồng ký kết giữa công ty Thiên Sơn và Bệnh viện.

“Bản chất của AAMI là tiêu chuẩn Việt Nam, cái này áp dụng tự nguyện. Còn trong hợp đồng giao kết có tiêu chuẩn đó thì phải thực hiện trách nhiệm theo hợp đồng”, ông Quang giải thích.

“Theo ông cách hiểu nào chuẩn nhất?”, HĐXX hỏi. Ông Quang trả lời: “Sau mỗi lần sửa chữa, bảo dưỡng, bắt buộc phải làm xét nghiệm tồn dư hoá chất và khuyến cáo làm thêm xét nghiệm vi khuẩn và Endotoxin”.

VKS truy vấn đại diện Bộ Y tế rằng tại sao không được đọc hợp đồng, cơ quan điều tra không gửi hợp đồng mà lại dựa vào đó để trả lời công văn 4342?

Ông Quang cho biết, trước khi trả lời đã tham khảo ý kiến nhiều nhà chuyên môn và chỉ trả lời tổng thể câu hỏi của cơ quan điều tra, theo thông tin từ Vietnamnet.

Hòa Lê (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang