Đằng sau việc Ấn Độ từ chối tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông

author 20:04 13/03/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, giới phân tích đã đưa ra nhiều bình luận về động thái từ chối tuần tra Biển Đông với Mỹ của Ấn Độ.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông trên báo Dân Trí, giới phân tích cho rằng việc Ấn Độ từ chối tuần tra chung ở Biển Đông là bởi New Delhi muốn tập trung kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, mặt khác họ cũng chưa sẵn sàng cho liên minh quân sự hàng hải do Mỹ đứng đầu.

Dù thể hiện sự quan tâm đến tình hình Biển Đông hiện nay nhưng Ấn Độ chưa sẵn sàng cho hoạt động tuần tra chung

Dù thể hiện sự quan tâm đến tình hình Biển Đông hiện nay nhưng Ấn Độ chưa sẵn sàng cho hoạt động tuần tra chung

Những bình luận này xuất phát từ việc tuần trước, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, đã đề xuất tái lập liên minh hàng hải gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế.

Tuy nhiên vài ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết: “Hiện giờ, Ấn Độ chưa thể tham gia bất cứ hoạt động tuần tra chung nào, chúng tôi chỉ có thể tập trận chung. Chúng tôi chưa tính đến khả năng tuần tra chung”. Người phát ngôn Hải quân Ấn Độ D.K. Sharma cũng nhấn mạnh rằng, quan điểm của Ấn Độ là chỉ tham gia các hoạt động quân sự dưới danh nghĩa của Liên Hợp Quốc.

Được biết trong thời gian gần đây, trước sức ép từ những hoạt động bành trưởng của Trung Quốc ở Biển Đông, Ấn Độ bắt đầu lên tiếng kêu gọi tự do và an ninh hàng hải ở khu vực này. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn chỉ muốn đóng vai trò trung lập ở một khu vực mà họ không bị ảnh hưởng trực tiếp.

Mặt khác, ông Manoj Joshi tại Viện nghiên cứu giám sát ở New Delhi cho rằng, Ấn Độ lo ngại hải quân của họ không thể tập trung cho vùng biển Ấn Độ Dương nếu các tàu hải quân tham gia tuần tra chung ở Biển Đông hay Hoa Đông. Rõ ràng là, việc Trung Quốc tìm cách tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương hiện vẫn là lo ngại lớn đối với Ấn Độ, và đó cũng là một phần lý do khiến New Delhi tăng cường hợp tác quốc phòng với Washington.

Giới bình luận cho rằng Ấn Độ vẫn chỉ muốn đóng vai trò trung lập trong tranh chấp Biển Đông

Giới bình luận cho rằng Ấn Độ vẫn chỉ muốn đóng vai trò trung lập trong tranh chấp Biển Đông

Tuy nhiên, mặc dù từ chối tuần tra chung ở Biển Đông, thì Ấn Độ đã mời Nhật Bản tham gia cuộc tập trận chung do Mỹ tổ chức lần đầu tiên trong 8 năm. Cuộc tập trận này dự kiến sẽ diễn ra ở vùng biển Philippines gần Biển Đông.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên VTV, chính phủ Nhật Bản hôm 8/3 đã công bố nội dung Sách Trắng về Viện trợ phát triển chính thức ODA 2015. Điểm đáng chú ý nhất là lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật Bản đã đưa nội dung bảo vệ các tuyến đường giao thương trên Biển Đông vào Sách Trắng ODA và xác định điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Nhật Bản. Việt Nam cũng nằm trong số các nước ASEAN được Nhật Bản đẩy mạnh viện trợ phát triển.

Chính phủ Nhật Bản nêu rõ tuyến đường hàng hải qua Biển Đông có ý nghĩa to lớn với Nhật Bản và nước này cần thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an tòan hàng hải. Nhật Bản sẽ tăng cường nguồn vốn viện trợ phát triển ODA cho châu Á mà đặc biệt là mười nước Đông Nam Á, khu vực có tầm quan trọng đặc biệt cả về kinh tế lẫn chính trị với nước này.

Cũng trong thời gian này, lần đầu tiên Nhật Bản đưa vấn đề Biển Đông vào sách trắng ODA

Cũng trong thời gian này, lần đầu tiên Nhật Bản đưa vấn đề Biển Đông vào sách trắng ODA

Nội dung viện trợ phát triển sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, lĩnh vực Nhật Bản có năng lực vượt trội so với các nhà cung cấp ODA khác tại châu Á như Trung Quốc. Đến năm 2020, Nhật Bản sẽ phối hợp với ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cung cấp 110 tỷ USD viện trợ ODA cho châu Á để xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Với sách trắng ODA vừa được công bố, Nhật Bản tiếp tục cho thấy nước này hết sức coi trọng an ninh và an toàn hàng hải trên biển Đông và sẽ thông qua viện trợ ODA để bảo vệ các lợi ích quốc gia cả về kinh tế lẫn chính trị. Theo chính sách này ASEAN sẽ là khu vực nhận nhiều viện trợ phát triển của Nhật Bản trong thời gian tới.

Minh Thùy (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang