Trung Quốc thị uy sức mạnh, đe dọa máy bay Philippines ở Biển Đông

author 18:31 02/01/2016

(VietQ.vn) - Báo Philippines cho hay, Trung Quốc đã đe dọa một máy bay chở bác sỹ và linh mục của Philippines ở khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, tờ Philippines Star hôm nay (1/1/2016) cho hay, Trung Quốc đã áp đặt một khu vực an ninh trên các vùng mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa và đe dọa một máy bay quân sự Philipines - chở bác sỹ và linh mục tới đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang do Philippines kiểm soát) vào Chủ Nhật tuần trước, tức ngày 27/12/2015.

Trung Quốc đã không ít lần đe dọa tàu và máy bay của các nước ở khu vực Trường Sa, khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp

Trung Quốc đã không ít lần đe dọa tàu và máy bay của các nước ở khu vực Trường Sa, khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp

Cụ thể, báo Petrotimes dẫn lời tuyên úy quân đội Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines Fr. Joey Sepe cho biết, khi chiếc máy bay Philippines bay qua vùng trời gần bãi Đá Su Bi, thì liên tục nhận được các cảnh báo đe dọa và thách thức qua radio từ Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp những đe dọa, cảnh báo phát qua radio từ phía Hải quân Trung Quốc, phi công Philippines vẫn tiếp tục hành trình và hạ cánh an toàn trên đảo Thị Tứ.

Thậm chí, Sepe còn dõng dạc tuyên bố rằng: Nếu có ai phải rời khỏi khu vực này thì đó là Trung Quốc chứ không phải ai khác. Được biết, Sepe và một bác sỹ quân đội nằm trong số các quan chức quân sự được Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines cử đến đảo Thị Tứ để phục vụ nhu cầu tinh thần và y tế của người dân trên đảo, cũng như nhóm 46 thanh niên tình nguyện đã đi thuyền ra đảo vào ngày 26/12/2015 – một hoạt động mang tính biểu tượng phản đối yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Theo một quan chức quân sự cấp cao, Hải quân Trung Quốc đã liên tục thách thức các máy bay quân sự Philippines tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Gần đây, hải quân Trung Quốc cũng cảnh báo và cố gắng để xua đuổi một máy bay quân sự của Australia trong khi nó đang tuần tra tự do hàng hải ở khu vực đang tranh chấp ở Trường Sa, giống như những gì Bắc Kinh đã làm với các máy bay Mỹ và tàu chiến khi chúng bay qua hay đi qua khu vực này.

Trung Quốc rất có thể đã đơn phương đặt vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông như từng làm ở biển Hoa Đông

Trung Quốc rất có thể đã đơn phương đặt vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông như từng làm ở biển Hoa Đông

Những sự kiện này càng làm dấy lên nghi ngại trong cộng đồng quốc tế về khả năng Trung Quốc đã lặng lẽ áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực quần đảo Trường Sa. Các nguồn tin quân sự cũng khẳng định, Trung Quốc đã không còn phụ thuộc vào tàu để giám sát trên không và trên biển ở khu vực này nữa mà đã sử dụng hệ thống radar được lắp đặt ở hầu hết các đảo nhân tạo.

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn khăng khăng bao biện rằng họ không có ý định quân sự hóa khu vực Biển Đông và rằng, các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trên nền tảng là các rạn san hô ngập nước là cho các mục đích dân sự và hòa bình.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Infonet, Trung Quốc cho biết nước này đã quyết định đóng thêm chiếc tàu sân bay thứ hai, nhằm tăng cường sự hiện diện trên biển (trong đó có khu vực Biển Đông) và để “bảo vệ những lợi ích cốt lõi cũng như ngăn chặn sự khiêu khích” từ Mỹ. Hiện những thông tin liên quan tới chương trình đóng thêm tàu sân bay của Trung Quốc hiện vẫn là điều bí mật.

Tuy nhiên, theo tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân, chiếc tàu sân bay thứ hai do chính nước này thiết kế và hiện đang được đóng tại cảng Đại Liên. “Trung Quốc có đường bờ biển dài và sở hữu một khu vực biển rộng lớn. Bảo vệ chủ quyền, lợi ích và quyền hàng hải là một phần quan trọng trong nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Trung Quốc”, RT dẫn lời ông Dương.

Trung Quốc đóng thêm tàu sân bay để tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông

Trung Quốc đóng thêm tàu sân bay để tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông

“Mỹ từng đưa nhiều tàu sân bay tới Biển Đông và gây ra rắc rối cho Trung Quốc. Do đó, việc đóng thêm chiếc tàu sân bay thứ hai sẽ giúp giảm áp lực cho chúng tôi và giúp Trung Quốc không còn bị bắt nạt”, một chuyên gia hải quân Trung Quốc giấu tên nói.

Cũng theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tàu sân bay thứ hai sẽ chuyên chở các chiến đấu cơ J-15 và trang bị máy phóng máy bay. Còn hiện nay Bắc Kinh mới chỉ sở hữu duy nhất chiếc tàu sân bay Liêu Ninh được tân trang từ một con tàu cũ mua lại của Ukraine hồi năm 1998. 

Trước động thái này của Trung Quốc, giới quan sát quốc tế bình luận, hoạt động mở rộng năng lực hàng hải của Bắc Kinh không nằm ngoài mục tiêu hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền đơn phương mà nước này đưa ra trên Biển Đông.

Tuyết Trinh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang