Biển Đông một năm không ‘lặng sóng’

author 14:00 31/12/2015

(VietQ.vn) - Những diễn biến của tình hình Biển Đông năm 2015 cho thấy rõ toan tính nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Tình hình Biển Đông trong năm 2015 tiếp tục căng thẳng vì các hoạt động cải tạo, bồi lấp đảo trái phép của Trung Quốc, buộc cộng đồng quốc tế phải lên tiếng và có phản ứng mạnh mẽ. Nhận xét về tình hình Biển Đông năm vừa qua trên báo Đất Việt, ông Nguyễn Anh Sơn - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, các hoạt động xây dựng quy mô lớn này nằm trong kế hoạch lâu dài, bài bản và có chuẩn bị từ trước của Trung Quốc.

Tình hình Biển Đông trong năm 2015 tiếp tục căng thẳng, phức tạp vì các hành vi gây hấn của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông trong năm 2015 tiếp tục căng thẳng, phức tạp vì các hành vi gây hấn của Trung Quốc

Với những hoạt động này, Bắc Kinh đã làm biến dạng hoàn toàn diện mạo của các đảo, mở rộng diện tích cả trăm lần, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và mang nhiều tính chất quân sự như bãi diễn tập, đường băng cho các loại máy bay cất/hạ cánh được, hay như các thông tin nước ngoài nói đã phát hiện việc Trung Quốc vận chuyển vũ khí lên các đảo nhân tạo này.

Trên truyền thông, Trung Quốc tự tuyên bố rằng việc cải tạo các đảo, xây dựng các công trình trên đảo nhân tạo để "phục vụ các mục đích dân sự như cứu hộ tàu thuyền, hỗ trợ ngư dân, qua đó thể hiện trách nhiệm quốc tế của nước này" và "không ảnh hưởng gì đến tự do hàng hải ở Biển Đông". Thậm chí, họ còn rêu rao rằng các tổ chức quốc tế, Mỹ và các nước có liên quan sử dụng những cơ sở này, khi điều kiện chín muồi, tiến hành hợp tác về giải cứu nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vốn nổi tiếng "nói không đi đôi với làm'’. Thực tế, các tàu bè, máy bay của nước ngoài đi vào vùng này đều bị Trung Quốc phản ứng quyết liệt để khẳng định chủ quyền (phi pháp) của họ. Ông Sơn lo ngại, không loại trừ khả năng một ngày không xa Trung Quốc sẽ đặt ra vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Đây là cả một quá trình lâu dài và là điều rất đáng lo.

Theo nhận định của ông Sơn, Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một hiện trạng hoàn toàn mới trên Biển Đông, theo hướng có lợi cho họ. Nếu trong tương lai có bước đi tiếp theo, Trung Quốc sẽ coi việc bồi lấp đảo là 'sự đã rồi' và nói rằng cứ sống cùng với nhau, cùng khai thác, ai ở đâu giữ đó khi họ đã có một cơ sở vững chắc. Đó là toan tính của họ.

Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 lại vào Biển Đông vào ngày 28/12 là động thái mới nhất từ phía Trung Quốc

Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 lại vào Biển Đông vào ngày 28/12 là động thái mới nhất từ phía Trung Quốc

Liên hệ đến sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, ông Sơn cho rằng có thể coi đó là phép thử, một cách để Trung Quốc thăm dò phản ứng. Mới đây vào ngày 28/12, giàn khoan Hải Dương 981 lại tiến vào Biển Đông sau khi Trung Quốc đã bồi lấp đảo và xây dựng cơ sở vững chắc trên đó. “Một khi xây dựng cơ sở vững chắc trên Biển Đông, Trung Quốc còn nhiều bước đi tiếp theo đáng lo ngại” – ông Sơn cảnh báo.

Cũng trong năm 2015, Mỹ đã can thiệp sâu hơn vào Biển Đông thông qua việc cử tàu chiến đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp ở đá Xu Bi và Vành Khăn, điều B-52 bay gần các đảo nhân tạo... Bình luận về điều này, ông Sơn chỉ rõ những việc làm của Washington cũng căn cứ vào những quy định hiện hành của quốc tế để thực hiện và tất nhiên về phía Mỹ, chắc hẳn họ có những toan tính riêng.

Tuy nhiên, dù có toan tính riêng thì ít nhất, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông cũng có tính chất răn đe Trung Quốc, để quốc tế thấy rằng không phải Bắc Kinh muốn làm gì thì làm, Trung Quốc không thể tự tung tự tác coi Biển Đông là ao nhà của họ.

Cũng liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, thời gian qua đã có không ít ý kiến đặt ra câu hỏi về vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, đặc biệt là khi Cộng đồng ASEAN được hình thành. Bàn về vấn đề này trên báo Dân Trí, Đại sứ Vũ Đăng Dũng - Vụ trưởng Đặc trách ASEAN, Bộ Ngoại giao đã phân tích rõ những tác động của Cộng đồng đối với câu chuyện Biển Đông.

Cộng đồng ASEAN được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông trong thời gian tới

Cộng đồng ASEAN được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông trong thời gian tới

Theo ý kiến của ông Dũng, thời gian qua, ASEAN đã tích cực thể hiện tiếng nói thống nhất và lập trường chung về vấn đề Biển Đông, nhất là khi có sự việc, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Cụ thể, ASEAN và Trung Quốc đã cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC và chuyển sang giai đoạn mới tham vấn về xây dựng COC, công cụ ràng buộc pháp lý quan trọng để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, vì còn khác biệt trong quá trình đàm phán, thảo luận nên chưa đạt được tiến bộ như mong muốn và đến nay vẫn chưa có một thời hạn cụ thể được xác định để kết thúc đàm phán này.

Ông Dũng cho rằng, việc thành lập Cộng đồng ASEAN sẽ đưa hợp tác về chính trị - an ninh, quốc phòng trong khu vực lên mức phát triển cao hơn, vì vậy, sẽ có tác động tích cực trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông khi tạo điều kiện cho các quốc gia có tranh chấp chủ quyền, các quốc gia trong và ngoài khu vực đối thoại, thảo luận và thúc đẩy hòa bình, an ninh ở Biển Đông. Cũng theo lời ông Dũng, thông qua ASEAN, Việt Nam có điều kiện nâng cao năng lực, có thêm các cơ chế để hỗ trợ đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng ở Biển Đông.

Thanh Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang