Tình hình biển đông ngày 14/9: Báo Trung Quốc lộ tham vọng xây căn cứ không quân ở Trường Sa

author 06:57 14/09/2014

(VietQ.vn) - Những tin tức mới đây về tình hình Biển Đông cho thấy giới truyền thông Trung Quốc đang ngày càng bộc lộ tham vọng quân sự ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo tin tức mới nhất trên báo chí cho hay, tờ Tân Hoa Xã – Cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc vừa lớn tiếng tuyên bố các bãi đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) có tầm quan trọng rất lớn về chiến lược đối với Trung Quốc, do đó việc cải tạo đất đai ở những nơi đó là cần thiết.

Tờ báo này cho rằng, xét về mặt quân sự, sân bay ở Gạc Ma là yếu tố thiết yếu với Trung Quốc. Nếu như Biển Đông xảy ra tranh chấp quân sự, các máy bay Trung Quốc có thể dễ dàng từ đó tác chiến trên Biển Đông, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa. 

Trung Quốc bất chấp tất cả để có thể độc chiếm Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 14/9: Trung Quốc bất chấp tất cả để có thể độc chiếm Biển Đông. Ảnh minh họa

Trước đó, các nhà phân tích quân sự quốc tế cũng từng nhận định sân bay ở quần đảo Trường Sa sẽ là cơ sở để Trung Quốc kiểm soát một vùng nước rộng lớn và có tầm quan trọng đặc biệt về an ninh, năng lượng, hàng hải và tài nguyên thủy hải sản này.

Cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh chưa từng đề cập bất cứ mục đích gì liên quan đến quân sự ở bãi Gạc Ma, quần đảo Trường Sa. Phát biểu trước báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Doanh chỉ cho biết các hoạt động cải tạo đất, xây đảo nhân tạo (trái phép) ở Gạc Ma "chủ yếu nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc cho những người đồn trú tại các đảo này".

Tuy nhiên, phóng viên hãng tin nổi tiếng thế giới BBC (Anh) khi đi thực địa ra các đảo ở Biển Đông lại khẳng định Trung Quốc “dường như đang chuẩn bị xây dựng một căn cứ không quân với đường băng bê tông đủ dài cho các máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh” ở gần đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1988. 

Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988

Tình hình Biển Đông ngày 14/9: Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988. Ảnh minh họa

Mặc dù bà Oánh từ chối trả lời những câu hỏi cụ thể về việc xây dựng nói trên nhưng báo chí Trung Quốc (Nhân dân Nhật báo và thời báo Hoàn cầu) đã xuất hiện một câu trả lời đầy quả quyết về việc chính quyền Bắc Kinh đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ không quân ở Biển Đông.

Nội dung bài viết có đoạn: “Trung Quốc cần cấp bách có một ‘căn cứ không quân’ ở quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) để đối phó với kịch bản phức tạp.” Thậm chí, tác giả bài bình còn “lu loa” rằng: “Việt Nam và Philippines đang dồn Trung Quốc tới chân tường bằng cách đưa dân ra khu vực này cũng như tiến hành công việc xây dựng”.

 

 

VideoDĩ nhiên, đi kèm trong bài bình là lời đe dọa thường thấy như: “Bất kỳ quan niệm nào nhằm phủ nhận chủ quyền của Bắc Kinh với quần đảo Nam Sa hoặc đánh giá thấp khả năng bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đều là sai lầm”.

Rõ ràng là, việc “thừa nhận” đang xây dựng một căn cứ không quân ở Biển Đông chỉ là bước mới nhất trong hàng loạt hành động gây hấn của Trung Quốc ở khu vực. Trong suốt thời gian qua, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục đưa ra hàng loạt yêu sách chủ quyền phi lý bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.

Thêm vào đó, mới đây Trung Quốc còn xây dựng một nhà trẻ ở Hoàng Sa – một hành động dù không gây hấn như kiểu dựng căn cứ không quân, nhưng vẫn nhằm mục đích bọc lót cho tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này.

Tình hình Biển Đông căng thẳng vì tham vọng xây dựng căn cứ không quân ở ở Biển Đông của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông căng thẳng vì tham vọng xây dựng căn cứ không quân ở ở Biển Đông của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Được biết, mối nghi ngờ về việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng các bãi đá ngầm trên Biển Đông đã bắt đầu nổi lên từ mùa hè năm nay, khi Philippines công bố những bức ảnh cho thấy hoạt động đào đắp ở bãi đá Gạc Ma và một số đá ngầm khác thuộc quần đảo Trường Sa từ phía Trung Quốc. Manila cho hay Bắc Kinh dường như đang xây dựng một đường băng cho máy bay chiến đấu.

Nghi vấn này càng được khẳng định sau khi phóng viên BBC mới đây đã trực tiếp đến vùng biển gần Gạc Ma bằng tàu của ngư dân Philippines, tận mắt nhìn thấy những gì đang diễn ra. Theo lời phóng viên quốc tế này thì hàng triệu tấn đá, cát được nạo vét lên từ đáy biển rồi bơm vào khu vực đá ngầm để tạo nên vùng đất nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

Minh Thùy

(tổng hợp từ Đời sống pháp luật, Vietnamnet)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang