Tình hình Biển Đông ngày 21/9: Indonesia sẽ không ngồi im trước tham vọng của Trung Quốc?

author 07:02 21/09/2014

(VietQ.vn) - Indonesia – quốc gia vốn đứng ngoài những vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông – rất có thể sẽ không ngồi im trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc mà gần nhất là âm mưu mở rộng Gạc Ma làm bàn đạp tấn công các đảo xung quanh.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí về tình hình Biển Đông, Trung Quốc đã mở rộng bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam tới 100.000 m2.

Ban đầu, cấu trúc nhân tạo duy nhất trên bãi đá ngầm Gạc Ma mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988 chỉ là một sàn bê tông nhỏ, trên đó có một cơ sở liên lạc, tòa nhà của đơn vị đồn trú và một cầu cảng. Cho đến đầu năm 2014, sàn bê tông này đã được bao quanh bởi một hòn đảo rộng xấp xỉ 400m (ở hai điểm cách xa nhau nhất) và có diện tích khoảng 100.000m2.

Tình hình Biển Đông ngày 21/9: Trung Quốc đã mở rộng Gạc Ma tới 100.000 m2

Tình hình Biển Đông ngày 21/9: Trung Quốc đã mở rộng Gạc Ma tới 100.000 m2. Ảnh minh họa

Thêm vào đó, Trung Quốc đã xây dựng một đê chắn sóng bê tông tăng cường xung quanh toàn bộ hòn đảo nhân tạo này. Ngoài ra còn có bến cảng tàu hàng hóa tự hành (ro-ro), bến cảng tàu bốc xếp container với 1 cầu tàu ở phái Tây Bắc. Một tòa nhà lớn được nhìn thấy ở phía Tây Nam cùng với các yếu tố khác bao gồm nhà máy khử muối, một nhà máy bê tông và một bãi chứa nhiên liệu. 

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn mở rộng hoạt động xây dựng trái phép ở đá Châu Viên, bãi Ga Ven,… Trước động thái này của chính quyền Bắc Kinh cùng lịch sử xung đột ở Biển Đông, các chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể sẽ sử dụng Gạc Ma làm bàn đạp để tấn công vào các thực thể gần đó. 

Rõ ràng là, hoạt động của Bắc Kinh ở Trường Sa trong 12 tháng qua là một thách thức lớn đối với hiện trạng Biển Đông khi Trung Quốc cố tình tạo ra những vùng đất có khả năng hỗ trợ các đơn vị đồn trú tại các khu vực rất gần với các đảo, đá mà các bên khác đang chốt giữ. Như vậy, Trung Quốc đã một lần nữa bỏ qua Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC để leo thang căng thẳng, xây dựng và quân sự hóa các tính năng họ chiếm đóng.

Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng bởi hoạt động xây đảo trái phép của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng bởi hoạt động xây đảo trái phép của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Trả lời phỏng vấn trên báo chí về những ảnh hưởng từ hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc với tình hình Biển Đông hiện nay, học giả Gregory Poling, trưởng nhóm nghiên cứu Đông Nam Á từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington khẳng định về mặt pháp lý, những đảo nhân tạo do Trung Quốc tạo ra không có ý nghĩa trước công pháp quốc tế, Bắc Kinh không thể sử dụng chúng để đòi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Theo học giả Poling, phản ứng tốt nhất đối với Việt Nam và Philippines trong trường hợp này là cần làm nổi bật tính bất hợp pháp rõ ràng của việc biến đá thành đảo, thay đổi hiện trạng Biển Đông mà Trung Quốc đã và đang làm, thách thức rõ ràng các khuôn khổ luật pháp quốc tế cũng như thỏa thuận giữa các bên. Sử dụng biện pháp pháp lý để chống lại hành động này của Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất.

Bàn về điều này, một số ý kiến khác cho rằng, hoạt động cải tạo biến đá thành đảo của Trung Quốc ở Trường Sa hoàn toàn được lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh kiểm soát. Theo đó, rất có thể Tập Cận Bình cũng muốn thông qua động thái này để thử phản ứng và giới hạn của Mỹ đến đâu trong vấn đề Biển Đông khi Washington đang bị kéo vào các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Ukraine.

 

 

Tân tổng thống Indonesia từng ngỏ ý muốn làm trung gian hòa giải trong tranh chấp Biển Đông

Trước tham vọng độc chiếm Biển Đông ngày càng rõ nét của Trung Quốc, Indonesia - quốc gia vốn luôn đứng ngoài các tranh chấp ở Biển Đông - không thể khoanh tay đứng nhìn mà có lẽ sẽ buộc phải thay đổi chiến lược quân sự.Phát biểu trong một hội nghị về an ninh hàng hải, người đứng đầu Cơ quan Điều phối An ninh Biển Indonesia, Phó Đô đốc Desi Albert Mamahit cảnh báo rằng, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là một mối đe dọa thực sự và sớm muộn sẽ ảnh hưởng đến đất nước này.

Mặc dù tuyên bố vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia chưa trực tiếp liên quan đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông nhưng ông Mamahit vẫn nhấn mạnh, dường như tranh chấp “đã tiến rất gần” đến khu vực này và Trung Quốc vẫn chưa làm rõ những tuyên bố liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. 

Theo ông Mamahit, “Đây rõ ràng là mối đe dọa thực sự cho Indonesia. Vấn đề trở nên phức tạp một khi nảy sinh bất đồng giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. Sẽ gặp nhiều khó khăn để tìm được tiếng nói chung mặc dù cho đến nay tình đoàn kết ASEAN luôn luôn được duy trì”. Do đó, ông cho rằng Indonesia cần phải chuẩn bị để đối phó với mọi động thái của bất kỳ bên liên quan nào trong tranh chấp ở Biển Đông.

Tình hình Biển Đông ngày 21/9: Indonesia sẽ có biện pháp ứng phó với tham vọng của Trung Quốc?

Tình hình Biển Đông ngày 21/9: Indonesia sẽ có biện pháp ứng phó với tham vọng của Trung Quốc? Ảnh minh họa

Được biết trước đó, Jakarta cũng cho rằng đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên bản đồ “đường 9 đoạn” đã lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Tháng 4/2014, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết, ông rất muốn Trung Quốc giải thích về bản đồ “đường 9 đoạn” và sẽ nhờ Liên hợp quốc làm rõ việc này bởi vì nó bao gồm cả vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia.

Ngoài ra, nhiều nguồn tin khẳng định Indonesia sẽ triển khai bốn trực thăng tấn công Boeing Apache trên quần đảo Natuna trong khuôn khổ chính sách ngăn chặn từ trước do bất ổn định ở Biển Đông. Những diễn biến gần đây về tình hình Biển Đông có thể sẽ khiến tân tổng thống Indonesia thay đổi ý định làm trung gian hòa giải bởi chính Jakatar đã từng khẳng định, “Biển Đông không phải ao nhà của Trung Quốc, và tự do hàng hải phải được duy trì”. 

Minh Thùy

(tổng hợp từ Dân Trí, Giáo Dục, Báo Đất Việt)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang