Tình hình Biển Đông ngày 16/9: Malaysia “mời” Mỹ đưa máy bay do thám tới Biển Đông

author 06:42 16/09/2014

(VietQ.vn) - Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông, Malaysia đã tỏ ý phớt lờ Trung Quốc khi đề nghị Mỹ đưa máy bay do thám và lập căn cứ bay giám sát ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Những tin tức mới nhất trên báo chí cho hay, Malaysia vừa đề nghị Mỹ đưa máy bay tới do thám ở khu vực gần đảo Bornéo, phía nam biển Đông. Nhiều chuyên gia nhận được, các chuyến bay giám sát của Mỹ từ Malaysia có thể sẽ khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thêm căng thẳng.

Trả lời phỏng vấn trên báo chí, Chỉ huy tác chiến Hải quân Mỹ Đô đốc Jonathan Greenert cho biết, thời gian gần đây, Malaysia đã đề nghị máy bay P-8 của Mỹ sử dụng căn cứ không quân của ở phía Đông Malaysia. Tuy nhiên, ông Greenert xác nhận chưa có một chuyến bay nào của Mỹ từ Malaysia được chấp thuận và hai bên vẫn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận về vấn đề này.

Malaysia sẽ thách thức Trung Quốc vì chủ quyền Biển Đông?

Tình hình Biển Đông ngày 16/9: Malaysia sẽ thách thức Trung Quốc vì chủ quyền Biển Đông? Ảnh minh họa

Theo đó, đô đốc Jonathan Greenert vẫn chưa chấp thuận cho các chuyến bay như vậy mà chỉ thảo luận về các vấn đề trong tương lai như việc ứng phó với các tình huống có thể phát sinh trong khu vực hay các chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370.

Được biết trước đây, Malaysia từng cho phép máy bay P-8 và P-3 của Hải quân Mỹ thực hiện các chuyến bay giám sát trong chiến dịch tìm kiếm của chiếc máy bay MH370 bị mất tích hồi tháng 3. Nhiều năm qua, Hải quân Mỹ chưa thực hiện bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về việc tiến hành các chuyến bay quân sự từ Malaysia.

Phát biểu về điều này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này hiện không có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự thường trực tại Malaysia và bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ tại Malaysia cũng cần phải có sự cho phép từ phía Chính phủ Malaysia. Trong khi đó, Malaysia không thừa nhận cũng không phủ nhận thông tin Đô đốc Greenert đưa ra.

Nhiều ý kiến cho rằng quan hệ Malaysia – Trung Quốc đang rạn nứt vì chủ quyền Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 16/9: Nhiều ý kiến cho rằng quan hệ Malaysia – Trung Quốc đang rạn nứt. Ảnh minh họa

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh Malaysia và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông liên quan đến đảo Bornéo. Bornéo là hòn đảo lớn nhất châu Á và lớn thứ 3 thế giới, gồm toàn bộ lãnh thổ Brunei và một phần lãnh thổ của Indonesia và Malaysia. Malaysia có 2 bang Sabah và Sarawak nằm ở phía tây của hòn đảo này, giáp với phần phía nam của biển Đông mà bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc “liếm” vào. 

Suốt nhiều năm qua, mặc dù là một trong 4 quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc nhưng quan hệ giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh khá tốt đẹp và Trung Quốc là đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Malaysia. Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas từ nhiều năm qua đã khai thác dầu khí ở vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” nhưng không gặp sự phàn nàn nào của Trung Quốc.

 

 

Trong năm 2013, Trung Quốc cũng từng nhiều lần đưa tàu chiến đến giương oai ở Bãi James, cách bờ biển Sabah chỉ 80 km, nhưng Kuala Lumpur cũng không đưa ra động thái phản đối nào. Do đó, việc Kuala Lumpur mời Mỹ đưa máy bay P-8 đến bay do thám ở vùng biển bang Sabah gây chú ý đặc biệt với dư luận trong và ngoài nước.

Một nhà ngoại giao châu Á đánh giá rằng, mặc dù hai bên có thiện chí với nhau nhưng việc Bắc Kinh cấp tập tăng cường năng lực quân sự khiến Kuala Lumpur cảm thấy bất an nên muốn tìm đến Washington để cân bằng vị trí. Thêm vào đó, Kuala Lumpur và Washington đã tiến hành thảo luận việc cho phép Mỹ sử dụng một căn cứ không quân trên đảo Sabah.

Malaysia phớt lờ Trung Quốc, mời Mỹ lập căn cứ bay giám sát ở Biển Đông

Malaysia phớt lờ Trung Quốc, mời Mỹ lập căn cứ bay giám sát ở Biển Đông. Ảnh minh họa

Theo chuyên gia Ernie Bower, cố vấn cấp cao của Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington, “Trung Quốc đã gây bất ngờ cho Malaysia bằng việc đưa tàu chiến tới vùng biển Sabah và ngấm ngầm đe dọa ngành thăm dò và khai thác dầu khí của nước này”.

Về phía Trung Quốc, tiến sĩ Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ coi động thái này của Kuala Lumpur là một thách thức trực tiếp đối với lập trường của nước này.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ VOV, Thanh Niên)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang