Tối ưu hóa nguồn lực nâng cao hiệu quả doanh nghiệp

author 06:12 02/04/2014

(VietQ.vn) - Theo Chương trình 712 được Thủ tướng phê duyệt, hàng loạt công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ được áp dụng vào cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Chương trình 712 còn được biết tới dưới cái tên: Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/5/2010.

Cadivi ap dung thanh cong cong cu quan ly hien dai vao doanh nghiep minh

Cadivi một điển hình về việc áp dụng hiệu quả công cụ cải tiến năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp. Ảnh: N. N

Theo Chương trình nói trên, trong giai đoạn 2012 – 2013, hàng hoạt các công cụ, các mô hình cải tiến năng suất chất lượng được đẩy mạnh áp dụng vào doanh nghiệp. Các mô hình và công cụ đó được xác định là những cách thức để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.

Trung tâm năng suất Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, các mô hình, công cụ cải tiếng năng suất chất lượng điểm hướng dẫn và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng ở dạng thử nghiệm mới, áp dụng điểm sau đó mới tiến đến nhân rộng. Mô hình thử nghiệm bao gồm ISO 50001, TPM, Lean, MFCA. Mô hình điểm bao gồm ISO 22000, 7 công cụ kiểm soát chất lượng. Bước tiếp theo là áp dụng mô hình nhân rộng với ISO 9001, 5S…

Cụ thể, ISO 50001:2011 được gọi là Hệ thống quản lý năng lượng. ISO này được ban hành vào ngày 15/6/2011 và đưa ra các yêu cầu đối với hệ thống quản lý năng lượng của tổ chức, áp dụng rộng rãi, có thể chứng nhận đăng ký hoặc tự công bố.

Câu hỏi đặt ra là tại sao phải áp dụng ISO 50001? Vì bản chất ISO này nói về hệ thống quản lý năng lượng, chính vì thế, nó hướng đến các vấn đề nhu cầu sử dụng năng lượng hiện nay. Ở phạm vi hẹp là tổ chức, doanh nghiệp, rộng hơn là tầm quốc gia và xa hơn là tầm khu vực và quốc tế.

ISO 50001 giúp các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mà Quốc hội đã ban hành. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết bị tiêu thụ năng lượng nhằm giảm chi phí, đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường.

Tính đến năm 2012, trên thế giới đã có khoảng 100 tổ chức ở 26 quốc gia đã được chứng nhận chứng chỉ ISO 50001:2011.

Cùng với ISO 50001, TPM được áp dụng để Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể. TPM đã áp dụng và mang lại thành công cho nền kinh tế Nhật Bản. Trọng tâm của TPM là nâng cao năng lực con người và thiết bị. Tăng công suất sử dụng, tuổi thọ, giảm chi phí sửa chữa bảo dưỡng, nâng cao năng lực vận hành thiết bị và xây dựng ý thức tự giác trong việc sử dụng, bảo dưỡng máy móc thiết bị của người lao động.

Đối với Lean – một phương pháp quản lý nhằm cung cấp đúng lúc và chính xác hàng hóa, dịch vụ khách hàng mong muốn mà không có bất kỳ sự lãng phí nào thông qua cải tiến liên tục quá trình.

Trong thực tế, với sự hỗ trợ của Trung tâm Năng suất Việt Nam, các doanh nghiệp như Công ty CP may Hà Nam, MB Bank, Techcombank, Bệnh viện Việt Pháp và các đơn vị trực thuộc Vietnam Airlines… đã áp dụng rất thành công Lean vào trong hoạt động của mình.

Về MFCA, đây là mô hình quản lý chi phí dòng nguyên liệu, nó là phương pháp đo lường dòng chảy và lượng tồn trữ nguyên vật liệu trên toàn quy trình sản xuất để phân tích chính xác sản phẩm hữu ích và hao phí nhằm đưa ra các giải pháp để sử dụng tối ưu nguồn nguyên liệu, giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường. 3 yếu tố tạo nên MFCA gồm: nguyên vật liệu, dòng chảy, hạch toán. MFCA được hình thành tại Nhật Bản từ năm 2000. Tại đây, đã có 300 doanh nghiệp áp dụng, coi như một công cụ để nâng cao năng suất. Hiện tại, MFCA đã nhân rộng tại các nước Châu Á như Malaysia, Singapore… MFCA được áp dụng cho mọi doanh nghiệp và trở thành tiêu chuẩn quốc tế vào tháng 9/2011.

Benh vien Viet Phap Ha Noi

Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội là bệnh viện quốc tế đầu tiên tại Việt Nam áp dụng Lean mang hiệu quả cao. Ảnh: N. N

Liên quan đến mô hình điểm, điều đáng chú ý đối với việc áp dụng mô hình điểm là việc đẩy mạnh đưa vào áp dụng ISO 22000 – hệ thống an toàn thực phẩm. Mặc dù ISO này được hình thành từ năm 2005 và được thừa nhận tại hơn 150 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam, ISO này vẫn còn rất “lạ lẫm”. Trong khi vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm bất, kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí tới “giống nòi” người Việt thì việc áp dụng ISO 22000 là rất cần thiết. Tuy nhiên, quá trình triển khai, áp dụng thực tế tại cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua còn rất chậm chạp, thậm chí có nhiều khó khăn. Những khó khăn đó không phải phát sinh từ tổ chức đào tạo, hướng dẫn áp dụng mà từ nhận thức của tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng trong mô hình điểm, 7 công cụ kiểm soát chất lượng gần như là những vẫn đề còn mới tuy nhiên nó lại không “lạ lẫm” với cộng đồng doanh nghiệp. Theo các chuyên gia năng suất chất lượng tại Trung tâm Năng suất Việt Nam, 7 công cụ đó bao gồm: phiếu kiểm tra, biểu đồ nhân quả, biểu đồ Pareto, biểu đồ kiểm soát, biểu đồ phân bổ, biểu đồ phân tán, phân tầng dữ liệu.

Vai trò của 7 công cụ là phân tích và cải tiến quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và phòng ngừa sai sót. Giúp việc quan sát thực tế một cách trung thực và khách quan, nhằm tìm ra nguyên nhân thực sự của vấn đề.

Về mô hình nhân rộng, 5S nổi lên như một công cụ thân thiện, áp dụng dễ dàng đối với tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam. 5S hướng tới tạo cho công việc thuận lợi, dễ dàng; góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất và an toàn.

Tại Việt Nam, đã có rất nhiều các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng thành công 5S. Các bài học thực tế và sự thành công đã diễn ra tại Bộ Công Thương, Công ty Traphaco, Cadivi, điện lực Sơn La, Secoin, PNJ, Comeco, Ford… sau khi những đơn vị này áp dụng 5S.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang