Phát hiện gần 8.000 sản phẩm tân dược, thực phẩm chức năng không hóa đơn chứng từ

author 15:33 21/06/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh thông tin, các đơn vị vừa kiểm tra đồng loạt 3 nhà thuốc trên địa bàn thành phố, phát hiện gần 8.000 sản phẩm thuốc tân dược, thực phẩm chức năng không hóa đơn, chứng từ.

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT TP. HCM đã đồng loạt kiểm tra 3 nhà thuốc tân dược trên địa bàn Quận 5 và Quận 11, phát hiện 7.739 sản phẩm là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu với tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 107 triệu đồng.

Cụ thể, tại nhà thuốc A.T, Phường 12, Quận 5, đoàn kiểm tra phát hiện 1.493 viên thuốc tân dược các loại, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu PROGRAF, TOPAMAX, ACTICARBINE, RODOGYL, BETASERC, ZYLORIC, DOGMATIL.

Tại nhà thuốc H.G, Phường 4, Quận 11, đoàn kiểm tra phát hiện 4.895 sản phẩm hàng hóa là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng không có hóa đơn, chứng từ, trong đó có 35 viên thuốc tân dược có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu PROGRAF.

 Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm thuốc tân dược không có hóa đơn, chứng từ

Tại nhà thuốc Q.T, Phường 7, Quận 11, đoàn kiểm tra phát hiện 1.351 sản phẩm là thuốc tân dược không có hóa đơn, chứng từ, trong đó có 1.346 sản phẩm (viên, gói) có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu ADVAGRAF, GAVISCON, PAINCERIN, MOZOLY, EQUORAL.

Đội QLTT số 2 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặc dù, thuốc giả chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm, nhưng điều đáng sợ là nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng, người bệnh dùng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt với các bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp...

Nguy hiểm hơn, có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, kim loại nặng khiến người bệnh dùng bị tai biến (như trường hợp thuốc giả mạo là đông dược trộn thuốc corticoid gây các tai biến trầm trọng), hoặc gây chết người.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành tăng cường việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới người dân biết để không mua thuốc qua các thông tin trên mạng internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang