TP Hồ Chí Minh: Tiêu hủy hơn 3.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 05:39 25/03/2024

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh vừa giám sát tiêu hủy 3.484 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị 245.726.000 đồng.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh) đã giám sát thực hiện việc tiêu hủy hàng hóa đối với 3.484 sản phẩm hàng hóa vi phạm.

Trong số hàng hóa thuộc danh sách tiêu hủy chủ yếu là thực phẩm với 2.030 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá 120.640.000 đồng; hơn 1.000 đơn vị sản phẩm còn lại là mỹ phẩm, phụ kiện điện thoại, quần áo các loại giả mạo nhãn hiệu cũng bị buộc tiêu hủy với tổng giá trị 245.726.000 đồng.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số hàng hóa vi phạm. Ảnh: Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, vào giữa tháng 3 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp các đơn vị chức năng giám sát việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tiêu hủy hàng hóa đối với 38.033 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, bao gồm quần áo, vớ, túi xách, ví, thắt lưng, khăn choàng, keo, thực phẩm, mỹ phẩm… giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có tổng trị giá 1.161.252.000 đồng.

Phương thức tiêu hủy được áp dụng là hủy hình dạng ban đầu, đốt hủy trực tiếp trong lò đốt 2 cấp ở nhiệt độ cao có hệ thống xử lý đồng bộ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường. Quá trình tiêu hủy được lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ theo đúng quy định.

Theo khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo nghị định, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được quy định tại Khoản 12 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. trong đó có việc áp dụng phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt thông thường đối với những trường hợp vi phạm liên quan đến hàng hóa nhạy cảm như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc phòng bệnh và hàng hoá dùng trong lĩnh vực y tế.

Việc xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh hàng hóa vi phạm không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn đóng góp tích cực vào việc duy trì sự minh bạch và công bằng trên thị trường hàng hóa.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang