Kon Tum: Tiêu hủy hơn 1.300 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 20:16 17/03/2024

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đã tổ chức, kiểm tra, giám sát và tiêu huỷ hơn 1.300 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ giá trị 72.494.000 đồng tại Xí nghiệp May Kon Tum.

Theo đó Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, phát hiện 1.300 sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường tại Xí nghiệp May Kon Tum (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum).

Lực lượng chức năng thu giữ số hàng hóa vi phạm. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Kon Tum

Trong đó có 41 hộp đồ chơi trẻ em, 80 hộp mỹ phẩm, và trên 1.200 sản phẩm quần áo rằn ri, quân tư trang quân đội đã qua sử dụng với tổng giá trị 72.494.000 đồng.

Ngay sau đó, Đội Quản lý thị trường phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý tịch thu theo quy định.

Hoạt động tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo ra sự nhận thức về sự nguy hại của việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa, đấu tranh bài trừ nạn sản xuất, buôn bán hàng hóa không an toàn.

Tiêu hủy số hàng hóa vi phạm theo quy định. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Kon Tum

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý các hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hành vi sản xuất hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trên môi trường mạng; thanh tra, kiểm tra về thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng.

Chỉ tính riêng năm 2023, các lực lượng chức năng là thành viên Ban Chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Kon Tum đã kiểm tra, phát hiện 1.304 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Qua đó, khởi tố 4 vụ việc với 5 đối tượng vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 605 vụ việc với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 11,7 tỷ đồng.

Đồng thời, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đặc biệt vào những đợt cao điểm như hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng (ngày 15 tháng 3), các đợt lễ, tết.

Bên cạnh đó, Sở Công thương triển khai xây dựng được 5 điểm bán hàng Việt, tổ chức nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với hàng Việt Nam chính hãng, có chất lượng; đồng thời, qua hoạt động trao đổi, mua sắm giúp người dân có thêm hiểu biết về việc mua sắm, sử dụng hàng hóa chính hãng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các hoạt động vì quyền người tiêu dùng tiếp tục được các ngành chức năng và chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện, gắn với chủ đề năm 2024 là “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của thông tin rõ ràng, hàng hóa minh bạch đối với sự an toàn của người tiêu dùng.

Về phía người tiêu dùng cũng cần phải đề cao an toàn về sức khỏe và thông tin khi mua sắm hàng hóa, từ chối mua sản phẩm không được minh bạch và nhấn mạnh quyền lợi của mình. Chỉ thông qua sự hợp tác của cộng đồng và chính quyền địa phương, môi trường kinh doanh mới thực sự lành mạnh và an toàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang