TP. HCM: Phát hiện hơn 20.000 sản phẩm thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ

author 14:21 18/11/2023

(VietQ.vn) -Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường TPHCM đã phối hợp với Đội 6 – Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an TPHCM tiến hành kiểm tra 5 điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa mặt hàng thuốc tân dược tại các quận, huyện trên địa bàn TP.

Cụ thể, tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên đường Tô Hiến Thành, Phường 14, Quận 10, TPHCM, đoàn kiểm tra đã tạm giữ 3.946 đơn vị sản phẩm hàng hóa, tổng trị giá 1.660.490.000 đồng. Tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên đường 244, Khu phố 5, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TPHCM, đoàn kiểm tra đã tạm giữ 15.464 đơn vị sản phẩm hàng hóa, tổng trị giá 2.035.100.000 đồng. Còn tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 11, Quận 3, TPHCM, đoàn kiểm tra đã tạm giữ 1.512 đơn vị sản phẩm hàng hóa, tổng trị giá 439.460.000 đồng. Và tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên đường Đồng Nai, Phường 15, Quận 10, TPHCM, đoàn kiểm tra đã tạm giữ 1.210 đơn vị sản phẩm hàng hóa, tổng trị giá 416.700.000 đồng.

 Số thuốc tân dược giả bị lực lượng chức năng thu giữ

Kiểm tra văn phòng đại diện Công ty S.H trên đường Tô Hiến Thành, Phường 15, Quận 10, TPHCM, là đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ vận chuyển (giao và nhận hàng hóa 2 chiều Hà Nội và TPHCM) có trách nhiệm quản lý hàng hóa cho chủ sở hữu hợp pháp của hàng hóa, đoàn kiểm tra đã tạm giữ 645 đơn vị sản phẩm hàng hóa.

Tổng số lượng hàng hóa lực lượng chức năng đã kiểm tra và tạm giữ để xử lý theo quy định là 22.777 đơn vị sản phẩm là thuốc tân dược các loại, chưa qua sử dụng, không có tài liệu về chất lượng của hàng hóa kèm theo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa để xuất trình theo quy định, tổng trị giá hàng hóa trên 4,5 tỷ đồng.

Theo các bác sĩ, nếu sử dụng phải thuốc tân dược không rõ nguồn gốc không những không mang lại hiệu quả điều trị mong muốn mà có thể gây hậu quả khôn lường, cho người sử dụng như gây dị ứng, ngộ độc cấp, mạn tính, suy gan, thận, đặc biệt là đối với trẻ em từ 0-5 tuổi. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc, một vài trường hợp đã tử vong do biến chứng suy gan, thận trước khi tử vong do bệnh lí.

Trong số đó, tổn thương gan và thận là hai loại tác dụng phụ được khuyến cáo nhiều nhất. Các chất độc có trong thuốc tân dược có thể gây ra ngộ độc cấp tính hoặc tích lũy dần dần trong cơ thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp ngộ độc kim loại nặng đã được ghi nhận sau khi sử dụng dược liệu kể cả ở người lớn lẫn trẻ em.

Liên quan đến việc kinh doanh thuốc tân dược giả, kém chất lượng, theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, hình thức xử phạt hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều 40 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc không được phép lưu hành.

Ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng theo quy định tại Khoản 7, buộc hoàn trả toàn bộ số tiền thu được và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc theo quy định tại Khoản 8 điều này.

 Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang