TP. HCM tiếp tục 'gỡ vướng' cho cơ sở kinh doanh thực phẩm

author 07:03 18/09/2021

(VietQ.vn) - Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM Nguyễn Nguyên Phương, Sở đã có những biện pháp hỗ trợ trong việc kết nối, tiếp cận hệ thống phân phối để có đầu ra cho sản phẩm đối với các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm.

Theo thống kê tính đến thời điểm hiện tại, TP. HCM có 3.115 điểm bán đang hoạt động, tăng 114 điểm bán so thời điểm bắt đầu triển khai mô hình bán hàng mang về đối với các cửa hàng lương thực, thực phẩm.

Về các giải pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở đã có những biện pháp hỗ trợ trong việc kết nối, tiếp cận hệ thống phân phối để có đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó là tham mưu với UBND TP. HCM các phương án kết nối với địa phương, các đơn vị cung ứng để hỗ trợ tìm kiếm, bổ sung nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp; phối hợp với Sở y tế, Công an TP hỗ trợ các đơn vị trong Hội lương thực thực phẩm trong công tác tiêm vắc xin, cấp giấy đi đường.

Về phương án lâu dài, Sở đã tham mưu TP. HCM hình thành Hội đồng phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm. Hội đồng này có nhiệm vụ tham mưu cho Thành phố các giải pháp, phương hướng để hỗ trợ phát triển ngành lương thực, thực phẩm.

TPHCM tiếp tục 'gỡ vướng' cho cơ sở kinh doanh thực phẩm

 TP. HCM sẽ nhanh chóng cấp giấy đi đường cho người dân và doanh nghiệp trong diện được phép hoạt động.

Về phản ánh một số doanh nghiệp kinh doanh ăn uống gặp khó khăn trong việc yêu cầu cấp giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP. HCM thông tin, Công an TP đã ban hành công văn hướng dẫn số 3679 gửi đến công an các địa phương. Trong đó, yêu cầu công an các địa phương tham mưu với UBND để có hướng dẫn, tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho các doanh nghiệp được phép hoạt động. Công an TP cũng bổ sung hơn 15.000 giấy đi đường xuống công an các địa phương để cung cấp cho doanh nghiệp, các nhân. Để kịp thời tiếp nhận, cấp giấy đi đường cho người dân, công an các địa phương được giao trực cả thứ 7, chủ nhật, giải quyết nội dung trên trong ngày cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

Về chiến lược trong thời gian tới tại TP. HCM tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP với các chuyên gia chiều 17/9, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng đề xuất, TP. HCM cần chuyển chiến lược với Covid-19 từ “đánh nhanh, thắng nhanh, tốc chiến, tốc thắng” sang “đánh chắc, thắng chắc”. Đồng thời ông phân tích việc “sống chung” với Covid-19, bởi nếu quét sạch Covid-19 lần này cũng không đảm bảo Covid-19 sẽ không đến một lần nữa. Nhận định đây là một cuộc chiến lâu dài, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng đề nghị TP. HCM không nên tốn quá nhiều sức lực dẫn đến kiệt quệ.

“Chúng ta có thể tiêu diệt Covid-19, nhưng không thể tiêu diệt trong hôm nay, tháng này, năm nay mà phải trong những năm tới cùng các quốc gia khác chứ không thể đơn độc”, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng nói. Vì thế, ông đề nghị ngành y tế không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, tiếp tục truy vết vì rất tốn kém, mà phải chuyển thành xét nghiệm những đối tượng nguy cơ cao, có triệu chứng.

Theo ông, xét về tổng thể, TP. HCM cần xác định “sống chung” và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi. “Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách sẽ thiệt hại rất nhiều. Nếu tiêm chủng đủ, nên mạnh dạn trong mở cửa”, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng đề nghị.

Ông cho rằng, cần tính toán mở lại các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trước. Nếu có trường hợp dương tính tại một số doanh nghiệp thì đương nhiên phải cách ly nhưng các trường hợp còn lại có thể chỉ cần xét nghiệm để xác định ca mắc, có biện pháp xử lý phù hợp, thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động cả doanh nghiệp.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang