Trung Quốc đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân

author 16:38 11/10/2015

(VietQ.vn) - Hiện nay, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về số lượng nhà máy hạt nhân đang xây dựng với 25 nhà máy, nhưng nước này vẫn chưa có dấu hiệu ngừng đầu tư vào ngành công nghiệp điện hạt nhân trong nước lẫn quốc tế.

Báo Hà Nội mới đưa tin theo Tổ chức Hạt nhân thế giới (WNA), tính đến tháng 9/2015, Trung Quốc đang vận hành 25 lò phản ứng điện hạt nhân (ĐHN), sản lượng ĐHN năm 2014 đạt 123,8 tỷ kWh, chiếm 2,4% tổng sản lượng điện sản xuất ra của nước này. Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về số nhà máy ĐHN đang xây dựng mới, với 25 nhà máy.

Theo một báo cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA), từ nay tới năm 2030, Trung Quốc cùng các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ trở thành tâm điểm trong việc mở rộng năng lượng hạt nhân của toàn thế giới, bất chấp vụ tai nạn tại Nhà máy ĐHN Fukushima Daiichi năm 2011 có tác động tiêu cực đến tình hình chung.

Nhà máy điện hạt nhân mới đang trong quá trình xây dựng tại Trung Quốc

Nhà máy điện hạt nhân mới đang trong quá trình xây dựng tại Trung Quốc. Ảnh Power-eng

Hồi đầu năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nhấn mạnh, công nghiệp hạt nhân là "nền tảng quan trọng đối với an ninh quốc gia". Ông cũng cho biết nước này sẽ tìm cách nâng cao công nghệ hạt nhân và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu điện hạt nhân cho thị trường toàn cầu. "Chúng ta phải làm việc chăm chỉ để xây dựng đất nước có nền công nghiệp hạt nhân phát triển mạnh."

Mới đây nhất, các công ty Trung Quốc dự kiến tham gia dự án xây dựng nhà máy ĐHN Hinkley Point trị giá 16 tỷ bảng (25 tỷ USD) tại hạt Somerset, miền Tây Nam nước Anh. Việc tham gia dự án này có thể dẫn tới việc Trung Quốc phát triển và sở hữu một nhà máy hạt nhân ở Anh trong tương lai, có thể ở Bradwell, một khu vực nằm trong quy hoạch phát triển tại miền Đông của Anh, báo Vietnamplus cho hay.

Nhà máy điện hạt nhân tại Thiên Tân, Trung Quốc

Nhà máy điện hạt nhân tại Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh Wiki

Trước đó, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên tại Kenya; theo đó, nước này sẽ giúp đỡ Kenya trong việc đào tạo nhân lực và bồi dưỡng kỹ năng; đồng thời hỗ trợ chuyên môn trong những hạng mục như lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại nước này và nghiên cứu tính khả thi của dự án. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đề nghị giúp đỡ Iran trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn và các lò phản ứng hạt nhân nhỏ.

Theo VnExpress, kể từ cuối năm 1970, trọng tâm của các chương trình hạt nhân chuyển sang mục đích dân sự. Năm 1991, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc ở tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, bắt đầu hoạt động.

Guo Chengzhan, Cục phó Cục An toàn Hạt nhân Trung Quốc cho biết công suất các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động sẽ đạt 58 triệu kW vào năm 2020, còn công suất của các nhà máy đang được xây dựng là 30 triệu kW, dự kiến nâng tổng công suất lên tương đương với Mỹ, nước sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nay.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang