Trung Quốc: Bé 4 tuổi tử vong sau khi ăn món trứng luộc bảo quản sai cách

author 16:19 27/04/2024

(VietQ.vn) - Bé trai 4 tuổi ở Trung Quốc đột nhiên ngất xỉu và sau đó được xác định đã tử vong sau khi ăn món trứng luộc lòng đào do bà nội để trong tủ lạnh nhiều ngày.

Mới đây, tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, truyền thông đưa tin cậu bé 4 tuổi tử vong sau khi ăn trứng luộc. Cha mẹ cậu bé 4 tuổi này do bận công việc nên giao con cho bà nội chăm sóc. Một hôm, bà nội phát hiện cháu trai rất thích ăn trứng luộc lòng đào. Chiều theo sở thích của cháu, bà thường xuyên luộc trứng theo kiểu này cho cháu ăn.

Do bản tính tiết kiệm, bà nghĩ mỗi lần luộc là một lần mất thêm thời gian và tiền điện, nước nên thường luộc nhiều quả trứng cùng một lúc. Những quả mà cháu trai không ăn hết được bà cho vào tủ lạnh để bảo quản, ăn dần trong vài ngày.

Cách đây ít ngày, cậu bé trở nên mệt mỏi, cơ thể suy nhược nhanh chóng. Quá sợ hãi, người bà đã báo ngay cho bố mẹ cậu bé về nhà, đồng thời đưa cháu đi cấp cứu. Dù được đưa tới bệnh viện nhanh chóng, cậu bé được xác nhận đã tử vong.

 
Trứng lòng đào để lâu có thể nhiễm khuẩn, gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Bác sỹ nhận định, chính những quả trứng luộc lòng đào, để lâu trong tủ lạnh là nguyên nhân gây nên cái chết của bệnh nhân nhỏ tuổi. Trứng không được nấu chín hoàn toàn, lại để lâu khiến vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó phổ biến nhất là Salmonella. Khi nhiễm vi khuẩn này với số lượng lớn, bệnh nhân thường bị tiêu chảy, đau bụng, sốt và suy nhược toàn thân.

Các triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 8 đến 72 giờ sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn. Cậu bé 4 tuổi ở Chiết Giang, Trung Quốc có khả năng miễn dịch kém, tình trạng nhiễm vi khuẩn lại không được phát hiện kịp thời nên mất đi mạng sống quý giá.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có tới 220 triệu trẻ em bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 40% là trẻ dưới 5 tuổi. Thời gian ủ bệnh ở nhiều trẻ chỉ kéo dài vài giờ. Các biểu hiện ngộ độc bao gồm nôn mửa, tiêu chảy và các triệu chứng khác. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể chuyển sang trạng thái sốc, hôn mê và thậm chí tử vong trong trường hợp nặng như cậu bé nói trên.

Bác sĩ Huang Limin, Khoa Truyền nhiễm Nhi tại Bệnh viện Trường Đại học Quốc gia Đài Loan từng giải thích rằng axit dạ dày của trẻ em chưa có nhiều chức năng diệt khuẩn trước khi chúng 6-8 tuổi. Sau 8 tuổi, chức năng axit dày dày dần đạt đến chức năng như của người lớn, lúc ấy mới có khả năng ăn thức ăn sống. Tuy nhiên, trước 12 tuổi do khả năng miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên việc ăn thực phẩm sống vẫn có nguy cơ nhất định.

Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan Lin Chen'an giải thích rằng thời hạn sử dụng của trứng luộc lòng đào và trứng luộc chín sẽ bị ảnh hưởng bởi hàm lượng vi khuẩn trên trứng. Nếu có nhiều vi khuẩn thì ăn trứng để trong tủ lạnh một ngày cũng có thể bị nôn mửa, tiêu chảy. Nếu số lượng vi khẩn ít thì có thể để trong  lạnh 4 ngày mà vẫn ăn được.

Tan Dunci- một y tá Khoa Chất độc lâm sàng tại Bệnh viện Linkou Chang Gung, Đài Loan (Trung Quốc) được mệnh danh là "bà đỡ đầu của chất độc học" cho biết, có thể bảo quản trứng luộc trong 3 ngày tuy nhiên, cô nhắc nhở có quá nhiều đồ trong tủ lạnh, trứng không được nấu chín hoàn toàn thì thời gian bảo quản sẽ rút ngắn lại.

Trứng là một nguồn protein dồi dào. Nhưng ăn trứng chưa chín có thể làm giảm sự hấp thu protein. Khoảng 90% protein trong trứng nấu chín được hấp thu nhưng chỉ 50% được hấp thu trong trứng sống. Hơn nữa, nghiên cứu đã chỉ ra rằng protein trong chứng nấu chín dễ tiêu hóa hơn so với protein trong trứng sống. Nếu ăn trứng vẫn còn sống, có thể không hấp thu được tất cả các protein. 

Hạn chế cho trẻ dưới 1 tuổi ăn nhiều trứng, đặc biệt là lòng trắng trứng. Do phản ứng của hệ miễn dịch với các loại protein có trong trứng gà làm tăng nguy cơ bị dị ứng ở trẻ. Thậm chí, với một số bé quá nhạy cảm, làn da cũng sẽ nhanh chóng bị dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa hoặc đau bụng đi ngoài… 

Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ nhỏ ăn trứng chưa chín kỹ bởi hệ miễn dịch của chúng vẫn chưa trưởng thành nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Vậy nên, để tránh tình trạng này, mẹ nên cho bé ăn thử với lượng nhỏ trước xem bé có bị dị ứng hay không.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang