Phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo 3 nhóm đáp ứng quy chuẩn

author 07:14 23/06/2024

(VietQ.vn) - Để triển khai phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Mới đây nhất là hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn phân loại rác tại nguồn

Căn cứ quy định tại khoản 11 Điều 3 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đang gấp rút hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, truyền thông nâng nhận thức cộng đồng để thực hiện lộ trình phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ 1/1/2025.

Hướng dẫn đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Trong đó, Nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm: Giấy thải, Nhựa thải, Kim loại thải, Thuỷ tinh thải, Vải, đồ da; Đồ gỗ, Cao su, Thiết bị điện, điện tử thải bỏ.

Nhóm 2 là chất thải thực phẩm bao gồm: Thức ăn thừa; Thực phẩm hết hạn sử dụng; Các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; Các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thuỷ, hải sản.

Nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải nguy hại; Chất thải cồng kềnh; Chất thải khác còn lại.

Sẽ phân loại rác theo 3 nhóm để bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)

Trong hướng dẫn kỹ thuật còn có hình minh hoạ, hướng dẫn rõ cách sơ chế, làm sạch cơ bản các loại rác trước khi phân loại. Ví dụ như giấy thải, nhựa thải, kim loại thải thì loại sản phẩm chứa đựng bên trong sau đó thu gọn, ép dẹt, giảm kích thức, thể tích. Đối với vải, đồ da, đồ gỗ có thể tái sử dụng đối với đồ còn sạch, nguyên vẹn hoặc thu gọn.

Các thiết bị điện, điện tử thì giữ nguyên hình dạng, không tháo dời. Đối với nhóm chất thải thực phẩm cần bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán. Với chất thải nguy hại cần bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì để an toàn, tránh phát tán ra ngoài môi trường. Chất thải cồng kềnh cần thu gọn, giảm thể tích, nếu tháo dỡ thì các bộ phận sau tháo dỡ được phân loại vào các nhóm chất thải tương ứng.

Triển khai quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, các địa phương đang ban hành văn bản quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Dựa trên văn bản hướng dẫn phân loại rác của Bộ, địa phương căn cứ để xây dựng hướng dẫn riêng, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, hiện nay đã có 16 tỉnh/thành phố ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, khoảng 30 địa phương bắt đầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, bên cạnh xây dựng hành lang pháp lý, đầu tư hạ tầng thì việc nâng cao nhận thức để người dân, nhà quản lý hay doanh nghiệp đều hiểu phân loại rác tại nguồn phải trở thành thói quen là điều quan trọng và cần thiết. Việc tuyên truyền vận động phải được thực hiện bài bản có chiến lược, thường xuyên và liên tục.

Đồng thời, công tác tuyên truyền phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức. Xây dựng các chương trình, phong trào, chiến dịch, sự kiện truyền thông với quy mô và hình thức đa dạng, nhằm tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý đối với phong trào chống rác thải nhựa tổng thể.

Lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn, chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Phần còn lại sẽ là gánh nặng lên chi phí, nguồn lực để xử lý và ảnh hưởng môi trường, sức khỏe.

Do vậy, phân loại có vai trò quan trọng để loại bỏ những tạp chất tồn đọng ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý rác. Từ đó rác sẽ nhanh chóng có một vòng đời mới, tái chế, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý. Rác sẽ thực sự trở thành tài nguyên. Mỗi chúng ta sẽ góp phần vào lối sống xanh, bền vững.

Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bãi chôn lấp chất thải rắn

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bãi chôn lấp chất thải rắn. Bộ cũng sẽ có hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.

Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Để công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả hơn nữa, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 1062/QĐ-BTNMT về kế hoạch triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Kế hoạch nhằm tập trung nguồn lực triển khai các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tăng cường vai trò của các bên có liên quan trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc triển khai quy định về phân loại tại nguồn, quản lý và thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng, ban hành 3 thông tư, 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 1 hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm: Thông tư về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt sau phân loại; Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, chất thải sinh hoạt sau phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý chất thải thực phẩn thành mùn; Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng các phương pháp còn lại; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bãi chôn lấp chất thải rắn; Hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện sổ tay hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân gửi các địa phương để tham khảo, áp dụng trên địa bàn và ban hành hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn. Đồng thời, tổ chức các đoàn làm việc của Bộ với Ủy ban nhân dân một số địa phương để đôn đốc tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân; Tổ chức 3 hội thảo chuyên đề cấp vùng về công tác quản lý và hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Cùng với đó, các cơ quan cũng sẽ triển khai chương trình truyền thông đến các đối tượng với nhiều hình thức. Nội dung thông tin, tuyên truyền cần tập trung và quan điểm, chỉ đạo về việc thực hiện quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chi phí thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân; công tác chuẩn bị thực thi nhiệm vụ tuyên truyền tại các Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan; hướng dẫn về quy trình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, nâng cao nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường và lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình; hướng dẫn về cách phân loại, thu gom và lưu giữ chất thải rắn nguy hại...

Ngoài ra, tuyên truyền về ảnh hưởng và tác hại của chất thải nguy hại sinh hoạt đối với đời sống, sức khỏe con người; truyền thông về xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt (thông tin về các nhà máy xử lý, tái chế CTRSH, phương pháp, công nghệ xử lý; trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (EPR)…); vận động hộ gia đình, cá nhân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà; phản ánh khó khăn vướng mắc từ người dân, doanh nghiệp trong thực thi quy định về phân loại, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giới thiệu những mô hình điển hình về phân loại rác tại nguồn phù hợp với từng khu vực nông thôn, đô thị, khu vực miền núi, ven biển, hải đảo, trong nước và quốc tế.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang