Tự gắn mác đạt chuẩn, cabin điện tử của HC Group có đảm bảo chất lượng?

author 06:58 28/11/2022

(VietQ.vn) - Sản phẩm cabin điện tử của Công ty Cổ phần HC – Phát triển Công nghệ Smart Parking (một công ty con của HC Group) chưa được chứng nhận hợp quy theo quy định pháp luật nhưng vẫn phân phối rộng rãi ra thị trường.

Cabin điện tử phải được chứng nhận, công bố hợp quy

Theo Thông tư 04/2022/TT-BGTVT của Bộ GTVT, từ 1/1/2023 các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải trang bị và sử dụng cabin điện tử (hay còn gọi là cabin điện tử, cabin ảo) để người học được tiếp cận như cabin trong xe ô tô thật, cũng là để nâng cao chất lượng trong đào tạo, sát hạch lái xe. Học viên có tối thiểu bốn giờ thực hành các bài cơ bản như cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch; làm quen với các bài về địa hình như đường đối núi, cao tốc.

Điều đáng lưu ý là các sản phẩm cabin điện tử trước khi lưu thông trên thị trường, trước khi đưa vào giảng dạy phải được chứng nhận, công bố phù hợp QCVN 106:2020/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe ô tô-cabin học lái xe ô tô được ban hành vào ngày 28/12/2020, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021).

Tới ngày 1/3/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định chỉ định Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng) thực hiện chứng nhận chất lượng sản phẩm phù hợp với QCVN 106:2020/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe ô tô - cabin học lái xe ô tô của Bộ GTVT để phục vụ công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa theo quy định hiện hành. Một đơn vị khác cũng được chỉ định là Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol.

Sản phẩm cabin điện tử của HC Group được quảng cáo đạt QCVN 106:2020/BGTVT. Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm này chưa được cấp chứng nhận đạt chuẩn.

Mặc dù Bộ GTVT đã chỉ định hai đơn vị được phép chứng nhận sản phẩm cabin điện tử phù hợp QCVN 106:2020/BGTVT, tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Đạt, Phó trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT TP.Hà Nội) cho hay, đến nay chưa có đơn vị nào cung cấp cabin điện tử phù hợp quy chuẩn do Bộ GTVT ban hành. Do đó, các đơn vị đào tạo lái xe vẫn đang còn loay hoay, chưa biết mua thiết bị cabin điện tử ở đâu, thế nào là phù hợp, đủ chuẩn và đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam phụ trách lĩnh vực đào tạo sát hạch lái xe cũng đề cập tới tình trạng dù Bộ GTVT đã ban hành quy chuẩn cabin điện tử nhưng chưa có nhà cung cấp được công nhận có sản phẩm hợp quy để cung cấp loại thiết bị này ra thị trường. Chi phí cho một bộ cabin điện tử khoảng 400-450 triệu đồng, ngang với số tiền đầu tư xe ô tô tập lái. Theo ước tính, cả nước hiện có khoảng 400 đơn vị đào tạo lái xe, để đầu tư hết cabin điện tử sẽ mất khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, do lo ngại về vốn đầu tư trang bị cabin điện tử lớn và đến thời điểm này vẫn chưa có đơn vị nào cung cấp cabin điện tử đạt chuẩn để các trung tâm có thể tìm hiểu và đầu tư nên nhiều Sở GTVT, Hiệp hội vận tải địa phương đã kiến nghị Bộ GTVT tạm lùi thời gian áp dụng đối với cabin điện tử.

Ngay cả Cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét lùi thời hạn áp dụng cabin điện tử. Dù vậy, mới đây trả lời về đề xuất này, Bộ GTVT chính thức “chốt” không lùi thời gian áp dụng cabin điện tử. Do đó, đúng theo quy định, từ 1/1/2023 các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải trang bị và sử dụng cabin điện tử.

HC Group tự tuyên bố đạt chuẩn, người dùng liệu có “nếm trái đắng”?

Theo tìm hiểu của phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), thời gian qua, nhằm đáp ứng yêu cầu từ Bộ GTVT, nhiều đơn vị đào tạo lái xe trên cả nước đã gấp rút tìm kiếm đơn vị cung cấp cabin điện tử để mua, nhập về phục vụ công tác đào tạo. Tuy nhiên, nhiều đơn vị hiện vẫn chưa dám “xuống tiền” đầu tư vì chưa đơn vị cung cấp cabin điện tử nào có sản phẩm được chứng nhận phù hợp QCVN 106:2020/BGTVT.

Trong bối cảnh nhu cầu từ các cơ sở đào tạo lái xe tăng lên, không ít đơn vị sản xuất, nhập khẩu cabin điện tử cũng đẩy nhanh quá trình làm thủ tục với mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm nhanh nhất. Một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin đánh giá, chứng nhận sản phẩm cabin điện tử theo QCVN 106:2020/BGTVT tại các đơn vị do Bộ GTVT chỉ định. Tuy nhiên, tất cả đều đang trong quá trình đánh giá, thử nghiệm nên chưa đơn vị nào được cấp chứng nhận.

Việc chưa được cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp QCVN 106:2020/BGTVT trong khi hạn định do Bộ GTVT ban hành (1/1/2023) sắp đến khiến các đơn vị cung cấp thiết bị cabin điện tử “nóng ruột”. Bên cạnh những đơn vị chọn cách chờ đợi tới khi sản phẩm được cấp chứng nhận, có tình trạng đơn vị sản xuất, phân phối cabin điện tử cố tình thông tin sai sự thật, lách luật để bán sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy ra thị trường.

Điển hình như trường hợp Công ty Cổ phần HC – Phát triển Công nghệ Smart Parking (một công ty con của HC Group) có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại ngõ 6, xóm 1 Đồng Xa, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Công ty này còn có một trụ sở, đồng thời là nơi giới thiệu, trưng bày sản phẩm cabin điện tử tại ngõ 15, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Đình Chiến.

Thời gian qua, trên website của HC Group (địa chỉ website:dinhvihc.vn) giới thiệu sản phẩm HC Smart CABIN là “thiết bị mô phỏng dạy lái xe, sử dụng để hướng dẫn học viên lái xe ô tô, một sản phẩm do HC Group nghiên cứu, phát triển và sản xuất, đáp ứng đầy đủ QCVN 106:2020/BGTVT.” Sản phẩm này hiện đang được phân phối bởi Công ty Cổ phần HC – Phát triển Công nghệ Smart Parking (một công ty con của HC Group).

Trong vai khách hàng thuộc một trung đào tạo lái xe có nhu cầu trang bị cabin điện tử, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã liên hệ tới số hotline được niêm yết trên website của HC Group. Nhân viên trực tổng đài nghe máy và báo sẽ có người gọi lại cho phóng viên để tư vấn cụ thể, chi tiết hơn về sản phẩm. Ngay sau đó, một nữ nhân viên đã kết bạn zalo với phóng viên và tư vấn về sản phẩm HC Smart CABIN.

Không chỉ gửi báo giá và thông tin chi tiết về sản phẩm, người này còn mời phóng viên tham dự buổi giới thiệu sản phẩm HC Smart CABIN do Công ty Cổ phần HC – Phát triển Công nghệ Smart Parking phân phối vào ngày 16/11/2022 (địa điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại ngõ 15 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) và cho phóng viên số điện thoại của ông Nguyễn Đình Chiến, người đại diện pháp luật và cũng là Tổng Giám đốc công ty này. Khi được hỏi về việc cabin điện tử của Công ty Cổ phần HC – Phát triển Công nghệ Smart Parking có đạt QCVN 106:2020/BGTVT hay không thì nhân viên này trả lời rằng: “Sau hai tháng nữa mới có chứng nhận”.

Nhân viên HC Group khẳng định sau khoảng 2 tháng mới có chứng nhận đạt QCVN 106:2020/BGTVT cho sản phẩm cabin điện tử mà công ty này phân phối.

Sáng ngày 16/11, phóng viên đã có mặt tại địa điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm cabin điện tử của Công ty Cổ phần HC – Phát triển Công nghệ Smart Parking. Tại đây, người đón tiếp phóng viên là ông Nguyễn Đình Chiến, Tổng Giám đốc công ty.

Sau khi giới thiệu cho phóng viên về sản phẩm, giá cả, ông Nguyễn Đình Chiến cũng cam kết đảm bảo sản phẩm đạt chứng nhận theo QCVN 106:2020/BGTVT. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề muốn xem chứng nhận thì ông Chiến nói khoảng 2 tháng nữa mới có chứng nhận.

Chỉ khách hàng chiêu trò lách luật

Buổi sáng ngày 16/11, không chỉ phóng viên (trong vai khách hàng), ông Chiến cũng đón tiếp một đơn vị truyền thông (quay video về sản phẩm) và một nhóm khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về sản phẩm. Tại đây, phóng viên được chứng kiến màn tư vấn cho khách hàng “lách luật” của ông Nguyễn Đình Chiến, Tổng Giám đốc công ty.

Cụ thể, sau khi tư vấn các thông tin về sản phẩm HC Smart CABIN, có khách hàng đã lên tiếng hỏi về việc cabin điện tử do HC Group sản xuất đã đạt QCVN 106:2020/BGTVT hay chưa, ông Nguyễn Đình Chiến vẫn cam kết cabin điện tử do công ty của ông phân phối đạt chuẩn này. Tuy nhiên, hiện sản phẩm đang mang đi thử nghiệm, yêu cầu chứng nhận nên khoảng sau hai tháng nữa mới giấy chứng nhận.

“Hiện tại sản phẩm đang được mang đi thử nghiệm, làm thủ tục để chứng nhận hợp quy theo QCVN 106:2020/BGTVT. Phải ít nhất 60 ngày, tức là khoảng 2 tháng nữa mới có chứng nhận”, ông Chiến nói.

Phóng viên (trong vai khách hàng) đặt câu hỏi nếu sản phẩm chưa đạt chứng nhận theo QCVN 106:2020/BGTVT thì làm sao có thể mang về các trung tâm để đưa vào sử dụng thì ông Chiến nói: “Khách hàng có nhu cầu cứ mang cabin điện tử về sử dụng trước, còn giấy chứng nhận công ty xin nợ lại, sẽ cung cấp sau”. Thấy phóng viên chần chừ và tiếp tục hỏi về việc đã có trung tâm nào mua sản phẩm cabin điện tử của HC Group hay chưa, ông Chiến cho biết: “Đã có nhiều trung tâm liên hệ mua sản phẩm này rồi, nếu muốn mua phải đặt trước, đặt cọc nhanh”.

 Nhân viên kỹ thuật của HC Group đang thực hành điều khiển cabin điện tử cho khách hàng xem.

Theo thông tin phóng viên tìm hiểu được, hiện trên thị trường chưa có đơn vị nào cung cấp cabin điện tử được cấp giấy chứng nhận hợp quy theo QCVN 106:2020/BGTV. Thực tế này cũng khiến dư luận không khỏi thắc mắc tại sao ông Nguyễn Đình Chiến và HC Group (trong đó trực tiếp là Công ty Cổ phần HC – Phát triển Công nghệ Smart Parking) lại khẳng định sản phẩm cabin điện tử của công ty đạt chuẩn theo QCVN 106:2020/BGTV?

Liệu đây có phải hành vi cố tình vi phạm quy định pháp luật, lừa dối người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm? Sản phẩm HC Smart CABIN chưa được chứng nhận đạt QCVN 106:2020/BGTV liệu có đảm bảo chất lượng và độ an toàn cho người dùng? Việc đem một sản phẩm thuộc diện bắt buộc phải chứng nhận hợp quy nhưng trên thực tế chưa được chứng nhận ra thị trường liệu có phải là sự liều lĩnh của doanh nghiệp này?

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang