Tư vấn bảo hiểm sai có thể bị phạt 100 triệu đồng

author 10:42 24/12/2023

(VietQ.vn) - Tại dự thảo Nghị định sửa đổi quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức phạt tiền với một số hành vi liên quan đến việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm và nghiệp vụ, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt 80-100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng các thông tin về quy tắc, điều kiện, điều khoản và các tài liệu tóm tắt, minh họa quyền lợi, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Mức này cũng áp dụng với vi phạm khi bán bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe.

Theo quy định cũ, các hành vi như cung cấp tài liệu giới thiệu sản phẩm hay tài liệu minh họa không rõ ràng và chính xác chỉ bị xử phạt cảnh cáo. Các hành vi như không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc không thông báo tình trạng hợp đồng cho khách hàng cũng chỉ chịu mức phạt từ 40-50 triệu đồng.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về môi giới bảo hiểm. Doanh nghiệp môi giới có thể bị phạt tiền 20-40 triệu đồng nếu hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng ký hợp đồng; xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng đang có hiệu lực để mua mới.

Bộ Tài chính đề xuất phạt tiền 40-60 triệu đồng nếu tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm với các điều khoản kém cạnh tranh hơn nhằm thu được hoa hồng môi giới cao hơn hoặc cung cấp cho khách hàng thông tin sai lệch.

Trường hợp sử dụng người trực tiếp môi giới không đủ điều kiện, mức phạt đề xuất cho doanh nghiệp môi giới sẽ 50-70 triệu đồng. Các đại lý bảo hiểm có thể bị phạt 30-50 triệu đồng với các hành vi này.

 Tư vấn bảo hiểm sai có thể bị phạt 100 triệu đồng

Hồi tháng 11/2023, Bộ Tài chính cấm các nhà băng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày nhằm hạn chế tình trạng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay.

Nội dung này được đề cập trong Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính ban hành nhằm cải thiện quy trình tư vấn bảo hiểm của đại lý cá nhân và tổ chức.

Theo đó, Thông tư mới quy định nhà băng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Việc cấm này áp dụng với loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị. Các loại bảo hiểm khác như bảo hiểm khoản vay, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp... không được Bộ Tài chính đề cập tại Thông tư này.

Bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị có điểm chung là kết hợp yếu tố bảo hiểm và đầu tư. Dòng bảo hiểm liên kết chung có cam kết lãi nhưng ở mức rất thấp, do chủ yếu dòng tiền được phân bổ vào các sản phẩm tài chính an toàn như tiền gửi hay trái phiếu Chính phủ. Còn bảo hiểm liên kết đơn vị là loại phổ biến trong vài năm gần đây, có tỷ suất sinh lời cao hơn đồng thời cũng có rủi ro, không cam kết lãi suất do dòng tiền phân bổ vào các sản phẩm như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu...

Ngoài quy định về hoạt động bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance), Bộ Tài chính cũng đưa thêm nhiều ràng buộc với đại lý tư vấn bảo hiểm nói chung.

Đơn cử, trong quá trình tư vấn, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên của đại lý tổ chức phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về sản phẩm, sử dụng tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp. Riêng đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu thêm phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm này.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng hoa hồng đại lý với nghiệp vụ bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, đồng thời, thay đổi tỷ lệ hoa hồng năm đầu của bảo hiểm liên kết chung, liên kết đơn vị.

Với các tài liệu trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài hạn và có giá trị hoàn lại, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp bản giấy tóm tắt cho bên mua bảo hiểm và phải có xác nhận của người mua. Việc này theo Bộ Tài chính, giúp người mua bảo hiểm dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, hiểu rõ hơn về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ trước khi ký vào hợp đồng. Thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm là 21 ngày kể từ khi bên mua bảo hiểm xác nhận đã nhận được các tài liệu trên.

Bên cạnh đó, Thông tư 67 cũng bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động bancasurance. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải giám sát và kiểm tra định kỳ, đảm bảo chất lượng giới thiệu, tư vấn sản phẩm của nhân viên. Hãng bảo hiểm cũng phải kịp thời phối hợp với tổ chức đại lý để kiểm tra, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm và xử lý vi phạm nếu có.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang