Trẻ uống nhầm xăng do sai lầm của người lớn nguy hiểm thế nào?

author 08:39 15/10/2022

(VietQ.vn) - Tình trạng trẻ uống nhầm xăng thời gian gần đây liên tục xảy ra do chính những sai lầm không đáng có của người lớn.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, trước đó người thân của bé đã chiết xăng ra chai nước ngọt để sử dụng khi cần. Tuy nhiên, do nhầm lẫn nên người nhà đã cất chai xăng vào ngăn mát tủ lạnh. Trong lúc khát nước, bé gái đã mở tủ lấy uống thì bất ngờ bị ho sặc sụa, tím tái.

Khi phát hiện bé uống nhầm xăng, người nhà đã đưa bé đến bệnh viện địa phương cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng nguy kịch do viêm phổi nặng. 

 Trẻ uống nhầm xăng để trong tủ lạnh. Ảnh: Tiền Phong

Trước đó, bé V.G.B. (17 tháng tuổi, ngụ tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cũng được Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị trong tình trạng rất nguy nan do uống nhầm xăng. BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh nhi được chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp tím tái phải giúp thở qua ống nội khí quản, thở máy, mạch nhanh trên 200 lần/phút (bình thường 120 đến 140). Kết quả thăm khám, chẩn đoán xác định bệnh nhi bị tổn thương các cơ quan gan thận, tổn thương phổi nặng, xuất huyết phổi, tri giác hôn mê.

Từ các trường hợp trên, BS Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 cảnh báo, xăng có đặc tính dễ bay hơi, hầu hết trường hợp khi uống nhầm xăng đều bị sặc, nôn ói, suy hô hấp cấp. Với tính chất dễ bay hơi, khi lọt vào đường thở, xăng dễ dàng lan rộng vào các phế nang, mao mạch phổi khiến phổi viêm, đông đặc và không thể thông khí. Nạn nhân sẽ thiếu ôxy trầm trọng và tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Uống nhầm xăng/dầu lửa là ngộ độc chất hydrocarbon có trong xăng/dầu lửa, dầu bóng, paraffin. Trẻ uống trên 10gr xăng dầu sẽ có nguy cơ bị ngộ độc nặng. Ngộ độc do hít hoặc uống, thường gặp trẻ 1-3 tuổi. Khi phát hiện trẻ đang uống xăng/dầu lửa, người nhà nên bình tĩnh không la toáng, không nên vội hất mạnh chai nước vì như thế trẻ sẽ giật mình, khóc thét dẫn đến hít sặc. Không cố móc họng để nôn ói chất độc ra khỏi cơ thể khiến hơi xăng dầu có cơ hội xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp cũng như sặc chất ói vào đường thở. 

Không uống chanh hay nặn chanh: nó không có tác dụng gì, chanh làm kích thích dạ dày khiến trẻ dễ nôn ói, gây hít sặc viêm phổi hít và làm chậm trễ việc cấp cứu. Sau đó cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được Bác sĩ khám và nhập viện theo dõi điều trị. 

Đặc biệt lưu ý, cha mẹ tuyệt đối không nên chiết xăng ra các chai lọ có nhãn mác nước giải khát hoặc chai lọ đựng nước uống thường dùng. Tuyệt đối không để xăng hoặc các loại chai lọ chứa hóa chất trong tầm tay của trẻ nhỏ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang