Uống rượu diệt Covid-19: Đúng hay sai?

author 15:00 13/03/2022

(VietQ.vn) - Nhiều người cho rằng uống rượu chứa cồn mà cồn có tính sát khuẩn thì sẽ sát khuẩn được họng và ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, theo bác sĩ, uống cồn vào trong họng không có hiệu quả.

Dùng cồn chủ yếu để diệt virus ở bàn tay, đồ dùng, vật dụng... chứ uống cồn vào họng không có hiệu quả. Ảnh minh họa.

Theo PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đúng là trong rượu có cồn nhưng nồng độ cồn để sát khuẩn phải từ 70 độ trở lên và chỉ sát khuẩn bề mặt, trên da. Chúng ta không thể ngậm rượu nồng độ cồn cao trong miệng để diệt virus, chưa kể khi đó virus đã ngấm vào trong tế bào. Đồng thời, nồng độ cồn trong rượu nếu cao còn gây tổn thương niêm mạc, dẫn tới hậu quả ngược lại là tạo đường vào tế bào dễ dàng hơn cho các loại vi khuẩn và virus tấn công, trong đó có virus SARS-CoV-2. 

"Dùng cồn chủ yếu để diệt virus ở bàn tay, đồ dùng, vật dụng để khử khuẩn... chứ uống cồn vào trong họng không có hiệu quả", TS Đào nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chứng minh rượu có thể ngăn ngừa lây nhiễm bệnh Covid-19, thậm chí còn gây gia tăng lây nhiễm do sử dụng chung cốc rượu, tăng bạo lực gia đình khi cách ly y tế, tăng mức độ nặng của các bệnh lý nền như bệnh gan, thận...

Vì thế, chuyên gia khuyến cáo thay vì uống rượu, bạn có thể súc miệng bằng nước muối nhạt, ấm và các dung dịch sát khuẩn họng mỗi ngày để phòng chống lây nhiễm Covid-19. Các loại nước súc họng thường được cho thêm một số chất làm dịu, làm mềm niêm mạc họng, giảm đau, giảm viêm, chống dị ứng tại chỗ như benzocaine, menthol, muối salicylate, hexetidine...

Súc miệng khi cảm thấy đau, rát, cộm, vướng, khó chịu ở vùng họng. Cách một giờ súc họng một lần hoặc khi vừa đi ngoài đường về, sau khi tiếp xúc với nguồn nguy cơ lây nhiễm cao.

Ngoài súc miệng, người dân nên thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn các bề mặt bằng cồn và tuân thủ thông điệp 5K để phòng lây nhiễm Covid-19.

Covid-19 có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua các đường lây:

- Qua tiếp xúc:

+ Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm như: bắt tay, ôm hôn.

+ Tiếp xúc gián tiếp: chạm tay vào các bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên miệng, mắt, mũi của mình.

- Qua giọt bắn: khi tiếp xúc gần (dưới 2 mét) với người nhiễm nói, ho, hắt hơi tạo ra các giọt có chứa virus bắn vào mắt, mũi, miệng hoặc hít phải các giọt này.

- Qua không khí: Trong môi trường kín, thông khí kém, khi thực hiện chăm sóc y tế có tạo những hạt nhỏ (aerosol) chứa virus lan theo không khí và có thể gây nhiễm nếu hít phải.

Mai Phương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang