Vận chuyển lượng lớn bao hạt hướng dương, viên bổ thận dương không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 19:50 22/12/2023

(VietQ.vn) - Mấy ngày liên tiếp gần đây Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện, thu giữ lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm hạt hướng dương khô và bột than tre, viên bổ thận.

Thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm 2023 (dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện, thu giữ lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, ngày 18/12/2023, Đội QLTT số 1 kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 29H-226.27 do lái xe Trần Thế Hiệp, trú tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ), điều khiển. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 1.700 gói bột than tre, khối lượng 500g/1 gói, trên bao bì các gói hàng có ghi chữ nước ngoài, không thể hiện bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc xuất xứ, không có thành phần cấu tạo; 300 gói thực phẩm viên bổ thận dương có nhãn hàng hóa, nhưng trên nhãn không có thông tin gì về nơi sản xuất hoặc xuất xứ.

Thái Nguyên phát hiện nhiều sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên

Tổng trị giá số hàng trên là 57,1 triệu đồng. Qua xác minh, lô hàng này là của bà Hoàng Thị Hà, trú tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Bà Hà bước đầu khai nhận: Mặc dù biết rõ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn mua về bán kiếm lời, khi đang vận chuyển thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.

Tiếp đến ngày 22/12/2023 tại tổ 18, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), Đội QLTT số 1 kiểm tra xe ô tô tải hiệu Huyndai biển kiểm soát 30H-2378 do ông Nguyễn Minh Tuấn, hộ khẩu thường trú tại tổ 10, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), là lái xe kiêm chủ hàng, điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe có 10 bao hướng dương khô nhãn hiệu Coconut flavor loại 25kg/bao, 20 thùng hướng dương khô nhãn hiệu KAIXIN loại 5kg/thùng và nhiều bìa thùng các tông.

Toàn bộ số hạt hướng dương trên là hàng hóa nhập lậu. Đáng lưu ý, khi được quét mã vạch, các bao tải lớn chứa hướng dương đều hiển thị nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng khi được chia vào các thùng cát tông nhỏ, số hàng hóa này lại được “hô biến” thành sản xuất tại Việt Nam.

Tại cơ quan chức năng, ông Nguyễn Minh Tuấn khai nhận mua số hàng hóa trên tại Hà Nội rồi vận chuyển về Thái Nguyên để bán kiếm lời. Đội QLTT số 1 đã tạm giữ hàng hóa để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Nghị định số 15/2018/NĐ–CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, việc công bố chất lượng hạt hướng dương là thủ tục mang tính pháp lý “bắt buộc” đối với sản phẩm hạt hướng dương sản xuất trong nước và nhập khẩu đều phải thực hiện tự công bố tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa sản phẩm bày bán lưu thông trên thị trường một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và nộp 01 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ định;

Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó;

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận bản tự công bố của tổ chức, cá nhân để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn. Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để nộp hồ sơ thì các lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang