Phát hiện gần 3.500 mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhãn mác không đầy đủ

author 15:25 25/10/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tạm giữ 3.482 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không có hóa đơn chứng từ.

Ngày 23/10, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM và Công an Phường 2, quận Tân Bình tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Giao nhận I.C.E tại địa chỉ số 9A Sông Thương (phường 2, quận Tân Bình) do ông Trần Văn Nam là giám đốc.

Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện 3.482 đơn vị sản phẩm hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại, xuất xứ Hàn Quốc, chưa qua sử dụng, không có số công bố mỹ phẩm, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa là 808.100.000 đồng.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hàn Quốc nhập lậu bị thu giữ 

Làm việc với Đoàn kiểm tra, bà Trần Ngọc Thanh Tuyền - nhân viên quản lý, đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Giao nhận I.C.E trình bày tất cả hàng hóa nêu trên là thuộc sở hữu của bà Tuyền, không phải thuộc sở hữu của Công ty TNHH TM-DV Giao nhận I.C.E.

Toàn bộ hàng hóa do bà Tuyền mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn chứng từ để kinh doanh, hàng hóa mới mua vào, chưa bán được sản phẩm nào ra thị trường. Hiện tại nơi ở của bà Tuyền đang bị ngập nước do thời tiết nên bà Tuyền mới vừa mang đến để nhờ ở trụ sở chính của Công ty TNHH TM-DV Giao nhận I.C.E nhưng chưa kịp thông báo cho Giám đốc biết. Bà Tuyền kinh doanh thời vụ, không có địa điểm kinh doanh cố định.

Hiện Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Liên quan tới mỹ phẩm lực lượng chức năng cho biết, hiện nay thị trường mỹ phẩm làm đẹp rất đa dạng từ sản phẩm được làm từ thiên nhiên, hàng handmade...đến mỹ phẩm áp dụng công nghệ hiện đại. Kéo theo đó nhu cầu làm đẹp của người dân cũng ngày càng tăng cao, lợi dụng việc đó các đối tượng buôn lậu luôn tìm cách tuồn những loại mỹ phẩm kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào thị trường nhằm trục lợi.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương, tác hại khôn lường của mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm nhái không đáp ứng được nhu cầu làm đẹp, còn gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe người sử dụng.

Ngoài ra, để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua. Hậu quả là nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng hơn.

Điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.

Hơn nữa, trong những sản phẩm làm giả, sản phẩm chất lượng kém thường có các loại hoạt chất, hóa chất gây ra dị ứng, hóa chất chấm sẽ làm tổn thương da, khiến nổi mẩn đỏ, ngứa, thậm chí mưng mủ. Nếu sử dụng mỹ phẩm giả lâu dài, hậu quả nặng nề hơn khiến da bị ngộ độc do mỹ phẩm có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân. Có nhiều trường hợp người dùng phải nhập viện, để lại di chứng về sau hoặc điều trị không hết.

Nguy hại nhất là gây ung thư da, suy giảm chức năng tế bào máu. Nếu bị bệnh khác kết hợp dị ứng mỹ phẩm giả có thể gây viêm nhiễm nội tạng, hoại tử dẫn đến tử vong. Để tránh mua nhầm mỹ phẩm giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên đến những địa điểm bán uy tín, tránh những hậu quả đáng tiếc, không vì ham rẻ mà "tiền mất, tật mang'.

 Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang