Vì sao Điện lực Bắc Giang không tuân thủ tiêu chuẩn kĩ thuật EVNNPC khi lập HSMT?

author 10:31 25/03/2022

(VietQ.vn) - Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (NPC) chỉ đạo các Công ty Điện lực thành viên thực hiện nghiêm túc áp dụng bộ tiêu chuẩn lựa chọn thiết bị thống nhất trong NPC và các quy định hiện hành, tiêu chuẩn khác có liên quan trong lập Hồ sơ mời thầu (HSMT) nhưng không hiểu vì lý do gì Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang Nguyễn Bá Sơn lại không thực hiện.

Ngày nay, chất lượng sản phẩm, hàng hoá không (SPHH) những là thước đo quan trọng khẳng định sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn là chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chất lượng SPHH liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, tài sản và môi trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông, trao đổi hàng hóa, các nước cũng cần ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích quốc gia. Để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, những năm gần đây, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá nước ta không ngừng được hoàn thiện.

Để nâng cao hiệu lực điều chỉnh của pháp luật với các quan hệ xã hội về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tương xứng với vai trò quan trọng của nó trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhà nước đã ban hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 (có hiệu lực từ 01/1/2007) và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 (có hiệu lực từ 1/8/2008). Đây là các luật chuyên ngành về chất lượng SPHH với phạm vi điều chỉnh tương đối đầy đủ, hệ thống phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Cơ sở của hoạt động kiểm tra, kiểm soát an toàn, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa chính là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành và áp dụng, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là hoạt động quan trọng, xuyên suốt của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, Hiệp hội… triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và các thông lệ, cam kết quốc tế liên quan.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, mặc dù vấn đề chất lượng SPHH ngày càng được đề cao với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế tại một số lĩnh vực vẫn bộc lộ không ít tồn tại.

Một trong những vấn đề được chỉ ra là việc thực hiện quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung còn bất cập, như: nhiều sản phẩm có giá thành cao hơn so với giá thị trường, chất lượng kém, không đáp ứng nhu cầu sử dụng...

Đặc biệt, liên quan đến công tác đấu thầu, tại không ít đơn vị vẫn xảy ra tình trạng "lách luật". Không ít đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách pháp luật và quy định của nhà nước liên quan đến công tác đầu thầu về sản phẩm, hàng hóa.

Hồ sơ mời thầu trái quy định vẫn tiến hành tổ chức đấu thầu

Như Chất lượng Việt Nam đã phản ánh ở các bài viết trước, hàng loạt gói thầu do Công ty Điện lực Bắc Giang tổ chức đầu thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, nhưng HSMT do Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang Nguyễn Bá Sơn phê duyệt đã yêu cầu xuất xứ hàng hoá chào thầu như van chống sét phải sản xuất tại Nga; ống nhựa xoắn HDPE theo tiêu chuẩn KSC 8455-2006 của Hàn Quốc.

Thậm chí ở một số gói thầu lại yêu cầu, “một trong những hàng hoá chào thầu phải có xuất xứ của nhà thầu Công ty Tuấn Ân” như mặt hàng Dao cách ly 3 pha ngoài trời 24kV cách điện Polimer, cách điện treo Polymer lưới 22kV xuất xứ Tuấn Ân. “Kịch bản” trên cũng tiếp tục “tái diễn” tại nhiều gói thầu mua sắm thuộc các dự án đầu tư phát triển có Công ty Điện lực Bắc Giang (Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao là chủ đầu tư) khi có nhà thầu Công ty Tuấn Ân tham dự và trúng thầu.

Điểm i, Khoản 6, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 nghiêm cấm việc đưa nhãn hiệu hàng hóa trong HSMT với gói thầu mua sắm hàng hóa khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi.

Ngoài ra, Khoản 5, Mục I Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định: HSMT/Hồ sơ yêu cầu không được nêu đặc tính, tiêu chuẩn cá biệt của hàng hóa nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu…

Ngay cả bộ tiêu chuẩn kỹ thuật lựa chọn thiết bị thống nhất trong Tổng Công ty Điện lực miền Bắc do Tổng Công ty ban hành, với dao cách ly 3 pha ngoài trời, van chống sét… cũng không đưa nhãn hiệu, xuất xứ vào HSMT.

 Vì sao Điện lực Bắc Giang không tuân thủ tiêu chuẩn kĩ thuật EVNNPC khi lập HSMT?

“Rõ ràng tính minh bạch cũng như việc tuân thủ pháp luật nói chung, pháp luật đấu thầu nói riêng của Công ty Điện lực Bắc Giang khi tổ chức đấu thầu các gói thầu là không đảm bảo” - một chuyên gia đấu thầu nhận xét. Không được nêu các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra cạnh tranh không bình đẳng. 

Công ty TNHH điện Sông Thương liên tiếp trúng thầu

Ngoài các vấn đề được phản ánh trên, ở rất nhiều gói thầu do Công ty Điện lực Bắc Giang làm chủ đầu tư, nhà thầu có dấu hiệu gian lận Hồ sơ dự thầu (HSDT) nhưng vẫn trúng thầu.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn nhưng Công ty TNHH điện Sông Thương đã liên tiếp trúng các gói thầu của Công ty Điện lực Bắc Giang.

Đơn cử như Gói thầu số 1- Xây lắp, Công trình: Xây dựng và cải tạo lưới điện các xã Phi Mô, Quang Thịnh, Tân Hưng, Tân Thịnh, Thái Đào, Xương Lâm huyện Lạng Giang. Công ty TNHH điện Sông Thương trúng thầu (với tư cách thành viên liên danh) với giá: 3.674.172.860 đồng.

Công ty TNHH điện Sông Thương kê khai một số nhân sự chủ chốt trong đó có ông Nguyễn Sơn Tùng. Cùng thời điểm, nhân sự này cũng được Công ty TNHH điện Sông Thương kê khai đứng tên trong HSDT ở Gói thầu số 1: Xây lắp công trình xây dựng và cải tạo lưới điện các xã Nghĩa Hồ, Giáp Sơn, Hồng Giang huyện Lục Ngạn. Công ty TNHH điện Sông Thương trúng thầu với giá: 3.799.742.058 đồng.

Thế nhưng, không hiểu sao 2 gói thầu cùng trùng lặp nhân sự đang trong quá trình đánh giá (thời điểm tháng 1/2020) Công ty TNHH điện Sông Thương lại được phê duyệt trúng thầu cả 2 gói.

Tương tự, tháng 10/2019, lần lượt các gói thầu là gói thầu số 1: Xây lắp công trình: Xây dựng và cải tạo lưới điện các xã Kiên Thành, Kiên Lao huyện Lục Ngạn; Gói thầu số 1 Xây lắp SCL đường dây 0,4kV sau các TBA Đức Tiến, Dìa, Thôn Đông, Đại Từ, Long Lanh 2, Bảo Đài 2 huyện Lục Nam, nhà thầu Công ty TNHH điện Sông Thương tiếp tục “sử dụng” nhân sự chủ chốt Đoàn Khắc Hữu để tham gia đấu thầu và “tiếp tục” trúng thầu.

Đến 02 gói thầu khác gồm Gói thầu số 1 Xây lắp Danh mục: SCL đường dây 0,4kV sau các TBA Hiệp Cát, TB1, Thôn Khuyên huyện Lục Ngạn; Gói thầu số 1 Xây lắp Danh mục: SCL đường dây 0,4kV sau các TBA Kép 1, Kép 3B, Thôn Hăng, Hiệp Tân, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Công ty TNHH điện Sông Thương tiếp tục “nhân bản” nhân sự Nguyễn Tiến Cường, Nguyễn Xuân Vinh khi tham dự thầu và vẫn được Công ty Điện lực Bắc Giang phê duyệt trúng thầu.

Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao Công ty Điện lực Bắc Giang không làm rõ việc huy động nhân sự của nhà thầu này đảm bảo về quy định nhân sự trong HSDT đúng pháp luật đấu thầu?

Cần nhắc lại rằng, trước đó, vào tháng 4/2018, khi tổ chức lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu số 1: Xây lắp, danh mục: SCL Đường dây 35kV lộ 378E7.12 đoạn từ cột 166 đến cột 194 và nhánh Bơm Thắng Cương. Nhà thầu Công ty TNHH điện Sông Thương kê khai nhân sự chủ chốt trùng lặp cùng đang trong quá trình đánh giá HSDT gói thầu này, Công ty Điện lực Bắc Giang nêu rõ: “Chấp nhận được nội dung này; tuy nhiên, trường hợp nhà thầu được xếp hạng thứ nhất trong cả hai gói thầu thì nhà thầu chỉ được lựa chọn thương thảo trúng thầu một trong hai gói thầu (để đảm bảo nguyên tắc nhân sự không được trùng lặp trong hai gói thầu triển khai cùng thời điểm)”.

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Mẫu số 15 và Mẫu số 18 Mẫu HSMT xây lắp một giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà thầu phải đề xuất một số vị trí nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của HSMT. Theo đó, nhà thầu không được kê khai những nhân sự, thiết bị đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận.

Cho phép nhà thầu “thay ruột” HSDT?

Gói thầu 12.02: Mua sắm Áp tô mát quý I năm 2021 thuộc dự toán mua sắm thường xuyên do Công ty Điện lực Bắc Giang tổ chức đấu thầu. Nhà thầu Công ty Tuấn Ân tham gia (với tư cách thành viên liên danh).

Quy định tại tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật HSDT quy định tại HSMT do chính Điện lực Bắc Giang phát hành yêu cầu, nhà thầu phải xuất trình ít nhất 02 tài liệu chứng minh hàng hoá chính cung cấp đã được vận hành thương mại thỏa mãn yêu cầu khách hàng với thời gian tối thiểu là 02 năm trên lưới điện Việt Nam. Các xác nhận phải xác nhận cho hàng hóa cung cấp theo hợp đồng cụ thể mới được chấp nhận.

Dù vậy HSDT của nhà thầu liên danh Công ty Cổ phần Tuấn Ân Miền Bắc và Công ty Cổ phần Thiết bị điện Tương Lai theo đánh giá tổ chuyên gia đấu thầu: Nhà thầu không đính kèm theo E-HSDT chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 của đơn vị cấp test report, các tài liệu xác nhận của khách hàng sử dụng không đủ tối thiểu 02 năm (không thuộc trường hợp thiếu tài liệu như Công ty Điện lực Bắc Giang đã cung cấp thông tin).

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang Đỗ Bình Dương khẳng định việc làm rõ "không làm thay đổi nội dung cơ bản của E-HSDT đã nộp, không thay đổi giá dự thầu".

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 15 khoản 1) quy định việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong HSMT, căn cứ vào HSDT đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ HSDT của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu. Việc làm rõ HSDT chỉ được thực hiện giữa bên mời thầu và nhà thầu có HSDT cần phải làm rõ và phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu.

Còn theo Khoản 3, Điều 19 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định một trong những nguyên tắc thương thảo hợp đồng là không tiến hành thương thảo đối với các nội dung mà nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của HSMT.

Đáng chú ý, theo tìm hiểu của PV khi tổ chức đấu thầu một gói thầu mua sắm (tương tự về tính chất, quy mô, hình thực lựa chọn nhà thầu) do Điện lực Bắc Giang là chủ đầu tư, nhà thầu tham gia đã không được “cho phép” làm rõ nội dung trên để chứng minh năng lực kinh nghiệm giống như với trường hợp nhà thầu liên danh Công ty Cổ phần Tuấn Ân Miền Bắc và Công ty Cổ phần Thiết bị điện Tương Lai.

Tương tự, tại Gói thầu số 08.03 “Mua sẵn Atomat 1 pha 40A và 3 pha 100A bổ sung quý 3/2019, Công ty Điện lực Bắc Giang nêu rõ, “nhà thầu phải có khả năng sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ bảo hành, bảo trì bao gồm có mặt tại địa điểm do chủ đầu tư yêu cầu trong vòng 24h sau khi nhận được thông báo của chủ đầu tư…”.

Thế nhưng, căn cứ đề xuất kỹ thuật tại HSDT của nhà thầu liên danh Công ty Tuấn Ân-Phương Lai, tổ chuyên gia đấu thầu phát hiện, nhà thầu liên danh trên “không có cam kết bảo hành” theo quy định tại HSMT.

Trả lời Chất lượng Việt Nam, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang Đỗ Bình Dương cho hay, “đây là nội dung thuộc phần năng lực, kinh nghiệm và được phép bổ sung, làm rõ theo các quy định của pháp luật về đấu thầu (khoản 1 điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014) và quy định tại Mục 22 Chương I - E-HSMT”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực đầu thầu, Công ty Điện lực Bắc Giang đã “quên mất” quy định “việc làm rõ không được thay bản chất HSDT từ “không đáp ứng” thành “đáp ứng”.

HSDT Công ty Tuấn Ân-Phương Lai “không có cam kết bảo hành” theo quy định tại HSMT nhưng Báo cáo đánh giá HSDT do chính Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang Đỗ Bình Dương ký lại “cho phép” được “bổ sung” tại thời điểm thương thảo hợp đồng với lý do “các nhà thầu trong liên danh trên có nhiều năm cung cấp hàng hóa cho Công ty Điện lực Bắc Giang”. Kết quả, liên danh Công ty Tuấn Ân-Phương Lai trúng thầu với giá trúng 973.500.000 đồng (Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu – QĐ KQLCNT số 2774/QĐ-PCBG ngày 4/9/2019).

Chỉ thị số 2937/CT-EVN ngày 6/6/2019 về chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tại mục 4 nêu rất rõ: Đối với công tác đánh giá HSDT/Hồ sơ đề xuất và công tác thẩm định các nội dung trong đấu thầu phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng, căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong HSMT, tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác liên quan; tuyệt đối không thiên vị hoặc gây khó khăn cho bất kỳ nhà thầu nào trong quá trình đánh giá HSDT/Hồ sơ đề xuất.

Chúng tôi tiếp tục thông tin.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang