Vì sao Nepal, Pakistan đồng loạt hủy dự án 'khủng' với Trung Quốc?

author 15:25 17/11/2017

(VietQ.vn) - Sau khi Nepal tuyên bố hủy dự án xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất của họ trị giá 2,5 tỉ USD thì Pakistan cũng đã hủy thỏa thuận xây đập trị giá 14 tỷ USD với Trung Quốc.

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, hãng tin Reuters dẫn thông tin do Bộ trưởng năng lượng kiêm phó thủ tướng Nepal, ông Kamal Thapa, công bố bằng tiếng Nepal trên tài khoản Twitter: "Nội các đã hủy bỏ hợp đồng không đúng nguyên tắc của tập đoàn Gezhouba trong việc xây dựng dự án thủy điện Budhi Gandaki" vào ngày 13/11.

“Trong cuộc họp của ban bộ trưởng hôm nay (13/11), thỏa thuận với Gezhouba Group về dự án thủy điện Budhi Gandaki bị phát hiện có điểm bất thường và bất cẩn và đã bị bác bỏ theo chỉ đạo của Ủy ban quốc hội”, ông Thapa viết.

Báo Thanh niên thông tin, hai bên đã ký thỏa thuận xây nhà máy thủy điện 1.200MW, nằm cách thủ đô Kathmandu của Nepal khoảng 800km, hồi tháng 6, chưa đầy một tháng sau khi Nepal chính thức đồng ý tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

 Một người công nhân điện lực đang làm việc trên một trụ điện ở thủ đô Kathmandu. Ảnh: Reuters

 Một người công nhân điện lực đang làm việc trên một trụ điện ở thủ đô Kathmandu. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên Bộ Năng lượng Nepal Dinesh Kumar Ghimire cho hay, ông tin quyết định hủy thỏa thuận với Gezhouba Group là quyết định cuối cùng. “Vì (phó thủ tướng) đưa quyết định lên Twitter, đây phải là quyết định do nội các đưa ra. Hy vọng là chúng tôi sẽ nhận được thông báo chính thức”, ông Ghimire nói rõ.

Chuyên gia về quan hệ giữa Trung Quốc với Nam Á tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc Tôn Thời Hải nhận định, quyết định hủy bỏ dự án thủy điện nói trên có liên quan đến nhiều yếu tố. “Nó có thể liên quan đến các nhóm bảo vệ môi trường, nền chính trị trong nước và những nhóm lợi ích khác. Chính phủ Nepal vẫn rất cần Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Tôn nhận định.

Một số nhà quan sát khác thì cho rằng việc Kathmandu hủy bỏ thỏa thuận xây nhà máy thủy điện với Gezhouba Group là một bước thụt lùi lớn đối với Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Nepal thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, theo South China Morning Post. Gezhouba hiện có ít nhất hai hợp đồng xây nhà máy thủy điện ở Nepal trong khi một số công ty Trung Quốc khác đang xây bệnh viện, cầu đường và sân bay ở quốc gia Nam Á này.

Báo Dân trí đưa tin, Pakistan cũng đã quyết định hủy thỏa thuận xây đập trị giá 14 tỷ USD với Trung Quốc vì nước này không thể chấp nhận những điều kiện khắc nghiệt của Bắc Kinh.

 Dự án đập Diamer-Bhasha là một phần quan trọng trong hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan. Ảnh minh họa: SCMP

 Dự án đập Diamer-Bhasha là một phần quan trọng trong hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan. Ảnh minh họa: SCMP

Chủ tịch Cơ quan Phát triển Điện Nước Pakistan Muzammil Hussain ngày 16/11 cho biết, lý do khiến Pakistan loại bỏ dự án đập Diamer-Bhasha khỏi Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) - một mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, là vì những điều kiện khắc nghiệt của Trung Quốc trong quá trình rót vốn vào dự án. Ông Hussain nói rằng những điều kiện này “không khả thi và đi ngược lại với lợi ích của Pakistan”.

Máy bay rơi ở Pakistan: Xét nghiệm ADN để nhận diện nạn nhân(VietQ.vn) - Hãng hàng không quốc tế Pakistan cho biết phi công của chiếc máy bay rơi PK661 đã phát tín hiệu nguy hiểm trước khi mất hẳn liên lạc.

Các điều kiện chặt chẽ do Trung Quốc đưa ra bao gồm việc Bắc Kinh đòi quyền sở hữu dự án đập, kiêm luôn cả chi phí vận hành và bảo trì, cùng với đó là yêu cầu cho Trung Quốc xây tiếp một đập khác ở Pakistan.

Mặc dù tuyên bố hủy thỏa thuận với Trung Quốc, song Pakistan quyết định vẫn duy trì dự án này bằng cách tự rót vốn. Sau khi hoàn thiện, dự án thủy điện Diamer-Bhasha sẽ cung cấp 4.500 megawatt (MW) điện cho Pakistan. Trung Quốc và Pakistan dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp về CPEC vào ngày 21/11. Hai bên đặt trọng tâm vào 15 dự án nhiệt điện trị giá khoảng 2,2 tỷ USD.

Ánh Ngân (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang