Vì sao ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng?

author 06:35 08/10/2021

(VietQ.vn) - Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định, ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển. Tuy nhiên, có nhiều tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Có một thực tế đã được khẳng định nhiều năm nay là ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Ngành nông nghiệp đã đóng góp 14% GDP trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng bình quân được giữ vững hằng năm, xuất khẩu các sản phẩm nông-lâm-thủy sản đạt từ 35 đến 38 tỉ USD. Đời sống của nhiều hộ gia đình nông dân được cải thiện một bước.

Phong trào xây dựng nông thôn nhờ đó mới đạt nhiều kết quả khả quan. Phải khẳng định kinh tế nông nghiệp trong đó có sự đóng góp của những người nông dân, ngư dân, diêm dân, … đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Ngành nông nghiệp đảm bảo góp phần đảm bảo một cách vững chắc nguồn cung lương thực thực phẩm cho tiêu dùng nội địa và cung cấp hàng hóa cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, nghiêm túc để đánh giá lại thì sự phát triển trong mấy chục năm qua của ngành chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có về phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản mà Việt Nam có (như thuận lợi về điều kiện tự nhiên, nhân lực phát triển hơn so với các nước khác trên thế giới..)

Điểm tồn tại lớn nhất đó là sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay còn manh mún nhỏ lẻ, sản lượng sản phẩm làm ra hàng chục triệu tấn/năm song chất lượng lại không đồng đều, kỉ luật sản xuất chưa chặt chẽ. Vấn đề an toàn thực phẩm còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục. Ngoài ra, năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp, năng lực cạnh tranh chủ yếu dựa vào tiền nhân công thấp và giá rẻ. Số liệu dẫn chứng cho thấy năng suất ngành nông nghiệp chỉ bằng 38.9% năng suất chung của cả nền kinh tế, 30,4% của ngành công nghiệp và 37,7% của các ngành dịch vụ.

Mặt khác các sản phẩm được sản xuất ra mang tính tự phát, không theo tín hiệu của thị trường, luôn luôn bị ép cấp, ép giá của một bộ phận thương lái không đúng mức mà nguyên nhân chính là sản xuất còn theo kiểu phong trào, các sản phẩm ko có kho dự trữ chiến lược để chờ giá tốt mới bán.

Chính vì vậy, những hiện tượng "được mùa rớt giá" tương đối phổ biến và kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Lợi nhuận bình quân thu được của người sản xuất chiếm tỷ trọng nhỏ, ko tương xứng với công sức bỏ ra, khâu trung gian và phân phối bán lẻ hưởng lợi nhuận cao nhất một cách vô lý. Đây là một thực tế mà ai cũng biết song chưa có giải pháp giải quyết triệt để, kể là từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Rõ ràng các sản phẩm nông nghiệp lưu thông trên thị trường nội địa đã bị buông lỏng trong việc quản lý các mối quan hệ giao dịch mua bán có liên quan đến giá. Điều này đang làm thệt hại cả người sản xuất và người tiêu dùng xã hội. Ở đây cần nhấn mạnh thêm rằng, Việt Nam đang tiến tới nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa

Rõ ràng nếu nói không chia sẻ là thiếu trách nhiệm với ngành nông nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng Việt Nam. Những tồn tại chủ quan và khách quan đã nêu ở trên cho ta thấy, việc khắc phục những vấn đề còn yếu kém là một tất yếu khách quan để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam tới một tầm cao mới, xứng đáng với vai trò và vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Trước hết, quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ở nước ta phải đi trước một bước, trên cơ sở lợi thế của từng vùng để xác định những cây trồng, vật nuôi chủ lực, có tiềm năng phát triển. Tiếp theo đó là hàng loạt các chính sách giúp cho các địa phương phát triển sản xuất bao gồm chính sách về tích tụ ruộng đất, vốn sản xuất kinh doanh, các chính sách ưu đãi khác cho ngành, chính sách bảo hiểm, rủi ro, đặc biệt là những vấn đề như biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh… 

Kèm theo đó là những chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã sản xuất thương mại và các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại các địa phương trên nguyên tắc đảm bảo cả đầu vào và đầu ra cho việc sản xuất, thu hoạch, dự trũ, chế biến sâu và tiêu thụ nội địa, xuất khẩu.

Các điều kiện về cơ sở hạ tầng nông nghiệp cần phải được bảo đảm thông suốt như kho dự trữ chuyên dùng cho các sản phẩm thủy hải sản, nông sản, đường giao thông nội bộ và nội vùng, các cảng biển, cảng sông, các hệ thống chợ đầu mối vùng vừa để giao dịch một cách công khai minh bạch, vừa quản lý chất lượng hàng hóa trước khi đưa đi tiêu thụ ở khâu bán kẻ hoặc xuất khẩu, có thể kết hợp chợ đầu mối là một địa điểm du lịch của vùng kinh tế.

Thực hiện việc nâng cao trình độ và thu hút các nguồn nhân lực vào các vùng sản xuất lớn, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiện sản phẩm vùng, ví dụ như các sản phẩm OCOP đang phát triển. Hàng hóa sản xuất ra phải có một hệ thống phân phối đủ mạnh bao gồm một số tập đoàn bán lẻ Việt, đủ sức bao tiêu hàng hóa, mở rộng của đón sản phẩm Việt và các hàng hóa nhập khẩu khác để tiêu thụ.

Hình thành các chuỗi sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán ra, lợi nhuận được hài hòa trước hết là lợi nhuận của người sản xuất để phục vụ tiêu dùng xã hội một cách hiệu quả và tăng trưởng nhanh và bền vững. Đi đôi với sản xuất và phân phối cần tổ chức tốt các lực lương chức năng để kiểm soát thị trường, chống làm ăn phi pháp như buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, … nhằm bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, xử lý nghiêm những vi phạm trên nguyên tắc phải đủ sức răn đe, hàng lậu hàng giả, ngăn chặn từ biên giới, từ nơi sản xuất là chính, kiểm soát ở nội địa chỉ là bổ sung.

Tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Những kết quả sản xuất của người nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp, nông nghiệp chỉ có ý nghĩ trọn vẹn khi lợi nhuận người sản xuất được phân phối một cách hợp lý, đời sống của họ ngày càng được nâng cao, góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp đất nước, phục vụ đắc lực cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Thực hiện được những giải pháp ở trên chăc chắn trong những năm tới, ngành nông nghiệp và người nông dân Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Từ 10 đến 20 năm nữa, Việt Nam chắc chắn sẽ là một cường quốc về nông nghiệp ở khu vực châu Á và thế giới, chúng ta rất tin tưởng về tương lai vô cùng sáng sủa của nền nông nghiệp nước nhà.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang