Các quốc gia khu vực Châu Á, Thái Bình Dương cần phải chuyển đổi ngành nông nghiệp hiện đại

author 17:28 26/09/2021

(VietQ.vn) - Theo ADB, các chính phủ ở Châu Á và Thái Bình Dương cần phải chuyển đổi nông nghiệp để nền nông nghiệp trở nên hiện đại hơn, thích ứng với khí hậu và mang tính bao trùm hơn khi khu vực này phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia kinh tế ADB cho rằng, với 76% người nghèo châu Á sống ở khu vực nông thôn, việc nâng cao năng suất nông nghiệp và thu nhập là chìa khóa để chống lại đói nghèo.Theo đó, ADB kêu gọi các chính phủ ban hành các chính sách tích hợp công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo và cải cách pháp luật, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và tiếp tục phát triển kinh tế.

ADB cũng cho biết, đại dịch COVID-19 đã đẩy thêm 75-80 triệu người ở các nước đang phát triển châu Á vào cảnh nghèo cùng cực, dẫn đến gia tăng tình trạng bất ổn về an ninh lương thực. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nạn đói sẽ tăng thêm khoảng 1/3 trong năm nay trên toàn thế giới. Trong số 291 triệu người mới bị đẩy vào tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu, 72% là ở châu Á - đặc biệt là ở Băng-la-đét, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, và Pa-ki-xtan.

“Nông nghiệp đã giúp châu Á và Thái Bình Dương đạt tốc độ tăng trưởng nhanh trong những thập kỷ gần đây, song những thách thức hiện tại đòi hỏi phải hiện đại hóa và chuyển đổi ngành - từ COVID-19 đến biến đổi khí hậu và đô thị hóa", Quyền Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Joseph Zveglich, Jr. cho biết. "Các chính sách hỗ trợ sự chuyển đổi này là tối quan trọng để đưa lương thực lên bàn ăn và bảo vệ sự phục hồi và phát triển bền vững của khu vực."

Các quốc gia khu vực Châu Á và Thái Bình Dương cần phải có nông nghiệp trở nên hiện đại hơn

 Các quốc gia khu vực Châu Á và Thái Bình Dương cần phải có nông nghiệp trở nên hiện đại hơn.

Ngoài đại dịch, biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất mà nông nghiệp châu Á phải đối mặt. Sự gia tăng thời tiết khắc nghiệt đang đe dọa ngành trồng trọt và tính bền vững nói chung. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, từ năm 2008 đến năm 2018, châu Á đã phải gánh chịu thiệt hại ở mức 207 tỷ USD về cây trồng và vật nuôi do thiên tai, chiếm 74% tổng thiệt hại toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này, các chính sách của chính phủ có thể thúc đẩy một loạt các giải pháp, chẳng hạn như hệ thống cảnh báo sớm về thời tiết khắc nghiệt, cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp và thực hành sản xuất thích ứng với khí hậu, cũng như bảo hiểm cây trồng với giá cả phải chăng.

Những thách thức khác bao gồm tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa nhanh chóng đối với năng suất lao động trong nông nghiệp; sự thay đổi sở thích về thực phẩm, chẳng hạn như nhu cầu tiêu thụ thịt ngày càng tăng; cơ sở hạ tầng lạc hậu, đặc biệt là về quản lý nguồn nước và thủy lợi; và các giải pháp hỗ trợ không kịp thời của chính phủ.

Những diễn biến phát triển trong các lĩnh vực như nuôi trồng thủy sản và công nghệ số có tiềm năng giúp chuyển đổi nền nông nghiệp ở Châu Á và Thái Bình Dương. Nuôi trồng thủy sản hiện chiếm khoảng một nửa sản lượng thủy sản của thế giới và đang tăng trưởng nhanh chóng. Khoảng 90% sản lượng thủy sản là ở châu Á. Trong khi đó, các công nghệ số, bao gồm điện thoại di động và các ứng dụng, có thể nâng cao kiến thức kỹ thuật cho 350 triệu nông dân sản xuất nhỏ lẻ của khu vực, giúp họ áp dụng các phương pháp đổi mới và cập nhật thông tin thị trường.

Do vậy, các chuyên gia ADB mong rằng, các chính sách của chính phủ nên chuyển hướng khỏi hỗ trợ sản xuất truyền thống. Cần tập trung nhiều hơn vào đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo và theo đuổi phát triển theo định hướng thị trường. Đồng thời, các chính phủ phải bảo vệ quyền của người lao động trong ngành nông nghiệp, bao gồm cả người nhập cư và phụ nữ, để đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi của ngành.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang