Volkswagen đối mặt nhiều khiếu nại vì dùng phần mềm giảm khí NOx trên ô tô

author 11:31 03/10/2021

(VietQ.vn) - Tập đoàn Volkswagen đang phải đối mặt với những vụ khiếu nại từ châu Âu liên quan đến phần mềm có thể điều chỉnh giảm lượng khí thải NOx từ động cơ.

Người tiêu dùng tại Áo vừa gửi đơn khiếu nại Volkswagen vì cho rằng một số mẫu xe của hãng vẫn đang sử dụng phần mềm "cửa sổ nhiệt" để điều khiển một van tuần hoàn khí thải (EGR) từ cửa xả động cơ.

Trong một số điều kiện nhất định, khi nhiệt độ môi trường nằm ngoài phạm vi 15-33 độ C và ở độ cao trên 1.000 mét, van EGR sẽ bị vô hiệu hóa bởi phần mềm "cửa sổ nhiệt". Nó đồng nghĩa với việc xe sẽ phát thải nhiều khí NOx, vượt giá trị quy định về khí thải của Châu Âu.

Trên lý thuyết, phần mềm này được thiết kế có tác dụng ngăn động cơ bị lão hóa hoặc tắc nghẽn. Tuy nhiên, tòa án châu Âu đã phán quyết hệ thống này là bất hợp pháp và gọi nó là "thiết bị thất bại". Năm 2015, phần mềm của Volkswagen EA 189 cũng được sử dụng để gian lận giảm lượng khí thải động cơ.

Athanasios Rantos, Tổng biện hộ Tòa án Công lý Liên minh Châu Âu cho rằng, phần mềm "cửa sổ nhiệt" không đại diện cho các điều kiện lái xe thực tế ở Áo hoặc Đức. Nói phần mềm để bảo vệ động cơ là một sự biện minh.

Ngược lại, Volkswagen đã nhanh chóng đưa ra phản hồi và cho rằng: "Theo các tiêu chí được luật sư đưa ra trong kết luận của mình, cửa sổ nhiệt sử dụng trên các mẫu xe của Tập đoàn Volkswagen vẫn đủ điều kiện nếu mục đích của chúng là ngăn ngừa nguy cơ hư hỏng động cơ đột ngột".

Volkswagen đang phải đối mặt với những vụ khiếu nại liên quan tới phần mềm có thể điều chỉnh giảm lượng khí thải NOx từ động cơ. Ảnh: Motor1

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu nhà sản xuất ô tô Volkswagen của Đức bồi thường ngay lập tức cho hàng nghìn khách hàng bị tổn hại trên khắp EU, chứ không riêng ở Đức, do vụ gian lận khí thải ô tô trước đó. Ủy viên châu Âu phụ trách bảo vệ người tiêu dùng Didier Reynders cho biết, vấn đề xoay quanh vụ việc của Volkswagen là về niềm tin của người tiêu dùng. Ông yêu cầu Volkswagen phải "hành động kiên quyết”.

Ông Reynders thúc giục Volkswagen làm như vậy mà không cần thông qua các thủ tục pháp lý khác nhau đang được tiến hành ở các quốc gia thành viên và chỉ ra rằng mức bồi thường trung bình là khoảng 3.000 euro cho mỗi chiếc xe, nhưng không đưa ra ước tính về mức bồi thường tổng thể mà Volkswagen có thể phải đối mặt tại EU. Vị này cho biết, số lượng khách hàng bị ảnh hưởng cụ thể là 150.000 ở Hà Lan, 400.000 ở Bỉ và 900.000 ở Pháp.

Bê bối lớn của Volkswagen bắt đầu vào năm 2015, khi hãng này bị cáo buộc lắp đặt phần mềm gian lận khí thải trên 11 triệu ôtô để có thể vượt qua những cuộc kiểm tra định kỳ. Vụ bê bối gian lận khí thải này bị phanh phui từ tháng 9/2015, theo đó, Volkswagen thừa nhận đã sử dụng thiết bị điều chỉnh thông số thải khí đôi khi vượt quá 40 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Khoảng 8,5 triệu xe bị ảnh hưởng ở châu Âu. Vụ "Dieselgate" đã hủy hoại uy tín của Volkswagen và buộc hãng phải chi 30 tỷ USD tiền phạt và các thỏa thuận dàn xếp pháp lý tại Mỹ, nơi tập đoàn của Đức đã nhận tội gian lận vào năm 2017.

Tại Đức, nhà sản xuất đã đạt được thỏa thuận thân thiện vào tháng 4/2020 với Hiệp hội người tiêu dùng VZBV, tổ chức đang đứng đầu hành động tập thể thay mặt cho 235.000 chủ sở hữu xe động cơ diesel bị gian lận, đề nghị bồi thường từ 1.350 đến 6.250 euro tùy thuộc chủng loại và thời gian lăn bánh của phương tiện. 

Tổng số tiền bồi thường ít nhất là 750 triệu euro, nhưng tập đoàn cũng phải đối mặt với hàng nghìn vụ kiện dân sự cá nhân, thường kết thúc bằng các khoản thanh toán mà số tiền không được công bố.

Bảo An (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang