Vốn đăng ký thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế năm 2021 ra sao?

author 07:06 26/01/2022

(VietQ.vn) - Những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra trong năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền, cùng với đó là tâm lý e ngại, thận trọng trong việc đầu tư các dự án kinh doanh mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021 có 43.536 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh đăng ký tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 2.524,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% về số doanh nghiệp so với năm 2020 nhưng giảm 24,4% về số vốn đăng ký.

Có thể nhận thấy sự thay đổi rõ nét số vốn đăng ký tăng thêm qua từng quý theo diễn biến của dịch bệnh. Ngay từ quý I/2021, sau một năm chống chịu với ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn do việc đóng cửa biên giới, đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế quý I đạt 973,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 525,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,9%.

Vốn đăng ký thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế năm 2021 ra sao?

 Những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra trong năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền, cùng với đó là tâm lý e ngại, thận trọng trong việc đầu tư các dự án kinh doanh mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất. 

Bước sang quý II/2021, mặc dù đã xuất hiện những ca bệnh đầu tiên của làn sóng Covid-19 lần thứ tư nhưng với việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta đã giúp tình hình đăng ký doanh nghiệp trong quý II/2021 có những tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 4/2021 đạt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế quý II đạt 1.122 nghìn tỷ đồng, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, vốn tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 627,2 nghìn tỷ đồng, tăng 45,2%.

Đến quý III/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, cùng với thời gian giãn cách kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý III/2021 có sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng và số vốn đăng ký kinh doanh. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế quý III đạt 777,9 nghìn tỷ đồng, giảm 59,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động là 524,7 nghìn tỷ đồng, giảm 55,9%.

Bước sang Quý IV/2021, Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

Tại Việt Nam, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Chỉ sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, tình hình kinh tế – xã hội dần được khôi phục, từng bước tạo nên sự khởi sắc rõ nét của “bức tranh về doanh nghiệp” trong những tháng cuối năm 2021. Trong quý IV/2021, tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế đạt 1.263 nghìn tỷ đồng, giảm 36,1% so với quý IV/2020, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động là 847,7 nghìn tỷ đồng, giảm 27,5%.

Những tác động dai dẳng của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm 2021, Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Có thể thấy, các chủ trương, chính sách, biện pháp được triển khai trong thời gian qua là đúng đắn, kịp thời, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt nên đạt được những kết quả quan trọng. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có những bước phục hồi mạnh mẽ trong thời điểm cuối năm 2021.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang