Xăng tăng giá tạo áp lực lớn cho người dân và doanh nghiệp

author 09:53 22/06/2022

(VietQ.vn) - Xăng liên tục tăng giá và lập đỉnh mới khiến cuộc sống nhiều người dân bị xáo trộn. Các doanh nghiệp cũng cho biết, giá xăng tăng kéo theo nhiều chí phí đội lên gấp bội gây áp lực tăng giá nên sản phẩm, dịch vụ.

Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều người dân, doanh nghiệp bắt đầu trở lại sản xuất để khôi phục kinh tế. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, xăng – mặt hàng thiết yếu liên tục lập kỉ lục về giá kéo theo nhiều áp lực cho người dân và doanh nghiệp.

Gia đình anh Hồ Văn Ba (ngõ chợ Khâm Thiên – Hà Nội) thường xuyên phải thắt chặt chi tiêu khi cơn bão giá ập đến với gia đình trẻ tháng thu nhập chưa đến 15 triệu đồng. Giá xăng tăng kéo theo các mặt hàng khác tăng, nhất là thực phẩm. Vợ anh Ba cho biết, trước đây chỉ cần cầm 500.000 đồng đi chợ đã mua đủ đồ ăn cơ bản cho cả tuần nhưng nay cũng ngần ấy tiền phải chắt bóp lắm mới mua được 4-5 bữa ăn đủ dinh dưỡng.

“Mớ rau muống trước đây chỉ 4.000 - 5000 đồng nhưng hiện tại đã tăng đến 20.000 đồng chưa kể thịt, gạo… cũng tăng theo cấp số nhân. Nếu giá cả cứ tăng vùn vụt như thế này thì lương của vợ chồng chúng tôi không thể đủ chi tiêu”, chị Linh – vợ anh Ba nói.

Nhận thấy những khó khăn của cơn bão giá trở thành gánh nặng chi tiêu cho gia đình, anh Ba cũng hạn chế tụ tập bạn bè. “Những hôm có bóng đá tôi thường từ chối lời mời của bạn bè tụ tập ở nhà hàng, quán bia hay quán cà phê xem mà về nhà xem cho tiết kiệm. Hay chiếc xe máy tôi đi làm, giờ mỗi lần đổ đầy bình xăng cũng tăng từ 50.000 – 70.000 đồng. Một tháng đổ xăng 4 lần cũng phát sinh thêm hơn 200.000 đồng cả 2 vợ chồng là nửa triệu. Nếu giá xăng cứ tăng cao vậy chắc tôi đi xe đạp để dành tiền mua sữa cho con”, anh Ba nói.

Xăng tăng giá tạo áp lực lớn cho người dân và doanh nghiệp

 Xăng tăng khiến giá cả thực phẩm cũng tăng theo.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng liên tục tăng và thường xuyên lập đỉnh mới. Thực tế, chi phí xăng, gas, nguyên vật liệu... đồng loạt tăng sốc và liên tục đang gây áp lực lớn đến chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là sau thời gian dài ảnh hưởng vì dịch bệnh.

Sau đại dịch nhiều doanh nghiệp kinh danh đồ ăn nhanh theo chuỗi vẫn đang cố gắng cắt giảm chi phí, giữ giá bán nhưng do giá xăng tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào và chi phí vận chuyển tăng nên các doanh nghiệp này cho biết họ không thể giữ nguyên được giá bán. Bởi nếu giữ giá bán chất lượng sản phẩm sẽ kém.

Nhiều doanh nghiệp vận tải, hàng không cũng cho biết do giá xăng tăng cao mà các đơn vị này tăng giá dịch vụ. Theo đó, từ đầu tháng 6 Grab tăng giá cước dịch vụ Grab tỉnh 2 chiều đối với xe 4 chỗ và 7 chỗ tại TP.HCM và Hà Nội. Lý do mà Grab đưa ra để tăng giá dịch vụ là do biến động của giá xăng dầu và giá tiêu dùng.

Trước đó, doanh nghệp này cũng đã tăng giá dịch giao hàng và chở khách bằng xe máy. Cũng với lý do trên, các hãng hàng không như Viejet Air, Vietnam Airlines cũng tăng giá và thuế phí với những hạng mục do đơn vị này quản lý để bù đắp vào chi phí xăng dầu.

 Hôm qua (21/6) giá xăng lập đỉnh mới tiến sát 33.000 đồng một lít.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết: “Xăng dầu là vấn đề then chốt, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi hoạt động của xã hội. Chính vì vậy, giá xăng dầu tăng cao gây ảnh hưởng đến lạm phát là điều tất yếu. Giá xăng lên, lạm phát lên trong lúc thu nhập kém sau đại dịch khiến người lao động, đặc biệt là người dân nghèo gặp nhiều khó khăn. Nếu không khắc phục kịp thời, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả của lạm phát không chỉ kéo dài trong năm nay mà ảnh hưởng trong 1 – 2 năm tới".

Để tránh lạm phát tăng cao gây ảnh hưởng năng lực cạnh tranh và đời sống người dân Việt Nam cần kịp thời đưa ra những giải pháp để giảm thiểu tác động từ tình trạng này.

Theo chuyên gia này, giải pháp cần được thực hiện ngay lúc này là thiết lập lại chuỗi cung ứng, giảm bớt khâu trung gian. Hạ giá xăng bằng cách giảm các loại thuế phí đang chiếm tới hơn 40%, chú trọng việc chủ động sản xuất của hai nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên học hỏi các nước như Ấn Độ, Trung Quốc trong vấn đề tăng dự trữ xăng dầu để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, việc tăng sản lượng khai thác và lọc hoá dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so với thời điểm giá thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định, là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước không quá nhạy cảm với biến động giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế. Đồng thời, với nguồn thu tăng lên từ khai thác dầu, đại biểu đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động đẩy mặt bằng giá các hàng hoá khác tăng.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang