Xây dựng khu công nghiệp sinh thái hướng đến phát triển kinh tế bền vững

author 12:18 05/12/2023

(VietQ.vn) - Thực trạng hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam đang đặt ra các vấn đề về chất thải và rác thải. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái xanh, bền vững.

Hội nhập và phát triển bền vững là xu hướng chung của nền kinh tế hiện đại. Trong bối cảnh này, Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái đang trở thành một đề tài quan trọng, đặc biệt khi nó đề cập đến các quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo những quy định cụ thể trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Dự thảo này không chỉ đề xuất mục tiêu xây dựng mới mà còn đưa ra các chiến lược và giải pháp chi tiết để quản lý các khu công nghiệp này.

Cụ thể, nội dung đề xuất xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái gồm: Dự kiến các ngành nghề chính thu hút đầu tư vào khu công nghiệp theo quy hoạch phân khu xây dụng của khu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Dự kiến mức phát thải cho các ngành nghề thực hiện cộng sinh công nghiệp; Phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu; Phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh; Cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái trong vòng 08 năm kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập và lộ trình thực hiện.

Nội dung đề xuất xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái nêu trên được giải trình tại Đề xuất dự án đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương trong đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được lập theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Một trong những điểm nổi bật của Dự thảo là việc xác định rõ từng ngành nghề và quy hoạch phân khu để thu hút đầu tư. Đồng thời, đề xuất cam kết mạnh mẽ về việc đáp ứng các tiêu chí xác định trong vòng 8 năm, với một lộ trình chi tiết để đảm bảo sự bền vững và hiệu quả.

Khái niệm về cộng sinh công nghiệp được đề cập là một điểm sáng trong Dự thảo, thể hiện sự hợp tác giữa các doanh nghiệp. Trao đổi chất thải, sử dụng chung hạ tầng sản xuất và dịch vụ phục vụ là những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, để đạt hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, Dự thảo đề xuất các giải pháp như giảm chất thải tại nguồn, tuần hoàn chất thải, và cải thiện sản phẩm. Điều này không chỉ hỗ trợ môi trường mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên thực tế, việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái còn gặp nhiều khó khăn. TS Mai Văn Sỹ, chuyên gia kinh tế, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn mang tâm lý tính toán lợi nhuận trước khi bắt tay vào làm. Nếu như vậy thì rất khó vì để làm khu công nghiệp sinh thái rất tốn kém. Cụ thể, làm mô hình sinh thái theo các tiêu chí quy định của Bộ Xây dựng thì doanh nghiệp nào cũng muốn đẩy quỹ đất công nghiệp lên 70-75%. Như vậy, tỉ lệ quỹ đất cho cây xanh sẽ không đảm bảo.

Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái. Như câu chuyện ưu đãi, nếu nhận được ưu đãi miễn thuế đất như khu kinh tế thì nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia hơn. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần công nghệ sản xuất phải cao, vì công nghệ hiện đại mới tận dụng tối đa nguồn lực. Khi được hỗ trợ, doanh nghiệp mới có nguồn kinh phí để quay vòng đầu tư vào sản xuất.

Còn theo ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, để hiểu rõ hơn về kinh tế tuần hoàn cần xác định cấu trúc chung có 3 phần: Ứng dụng vật liệu hữu ích; kéo dài vòng đời sản phẩm; sử dụng và sản xuất sản phẩm thông minh hơn.

Từ 3 cấu trúc này dẫn đến cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn đi từ kinh tế tuyến tính truyền thống đến tăng tính tuần hoàn bằng việc nâng lên các cấp độ được thể hiện trong việc sử dụng ít tài nguyên hơn và ít áp lực với môi trường hơn.

Hiện nay, các cấp độ của kinh tế tuần hoàn đang gồm: Cấp vĩ mô xem xét kinh tế tuần hoàn ở cấp quốc gia, đô thị, vùng, địa phương; cấp trung gian xem xét kinh tế tuần hoàn với góc độ cộng sinh công nghiệp; cấp vi mô xem xét ở cấp độ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; cấp sản phẩm xem xét đến mức độ tuần hoàn của từng sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm.

Nhìn chung, Dự thảo này không chỉ là một bộ quy định mà còn là hướng dẫn chi tiết cho việc xây dựng Khu công nghiệp sinh thái. Bằng sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, chúng ta có thể định hình một tương lai với nền kinh tế bền vững và tuần hoàn.

8 tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái

Nhằm mục đích định hướng xây dựng những khu công nghiệp xanh, ngày 22/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP. Nội dung Nghị định quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Bao gồm những nội dung về tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái:

1. Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải tuân thủ đúng luật. Thứ nhất là nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh. Thứ hai là bảo vệ môi trường và lao động. Khuyến khích nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường. Hệ thống này theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp.

2. Nhà đầu tư phát triển hạ tầng kết cấu khu công nghiệp cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp theo quy định pháp luật. Bao gồm: Dịch vụ hạ tầng thiết yếu (điện, nước, thông tin, phòng cháy, chữa cháy...). Và các dịch vụ khác liên quan.

3. Tối thiểu 90% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhận thức. Đó là về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải áp dụng làm được điều này. Doanh nghiệp cần đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý và công nghệ sản xuất. Tất cả nhằm để giảm chất thải, chất gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu.

4. Dành tối thiểu 25% diện tích đất khu công nghiệp cho các công trình. Bao gồm: cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung,... Các công trình này phải theo quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng.

5. Thực hiện ít nhất 01 liên kết cộng sinh công nghiệp. Ít nhất 10% tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp.

6. Có giải pháp đảm bảo nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa và thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

7. Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có cơ chế phối hợp thực hiện giám sát đầu vào và đầu ra của khu công nghiệp. Đó là cơ chế về sử dụng năng lượng, nước,... Và những cơ chế liên quan đến các vật liệu sản xuất thiết yếu, quản lý hóa chất độc hại. Doanh nghiệp lập báo cáo định kỳ hàng năm về các kết quả đạt được trong hoạt động hiệu quả tài nguyên. Đồng thời giám sát phát thải của khu công nghiệp. Sau đó, báo cáo Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương.

8. Hàng năm, nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện công bố báo cáo. Nội dung về thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và các đóng góp cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp. Báo cáo này gửi tới Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương và đăng trên website của doanh nghiệp.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang