Ngành công nghiệp tái chế: Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

author 18:06 12/11/2023

(VietQ.vn) - Cần thực hiện chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng nhiên liệu hiệu quả nhất thông qua kéo dài vòng đời của các sản phẩm, qua đó giảm được việc khai thác tài nguyên phục vụ sản xuất vật chất và giảm thiểu chất thải.

Đã từ lâu, rác thải nhựa vẫn luôn là mối lo ngại tới sức khỏe con người lẫn môi trường. Hằng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP 26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Do đó các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước đã sớm nhận thức được những vấn đề này vì thế cho nên ngành công nghiệp tái chế được xem là hướng phát triển tất yếu của hiện nay.

Trong chương trình góp sức cùng TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi xanh và xây dựng kinh tế xanh, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) xây dựng một chương trình tổng hợp để quảng bá những hoạt động này.

Vừa qua, Hội DNHVNCLC và Trung tâm BSA đã tổ chức "Tour trải nghiệm Xanh" đến thăm quan nhà máy nhựa tái chế Duy Tân (Long An), nhằm tạo cơ hội để chia sẻ thông tin, kiến thức, và trải nghiệm thực tế về các mô hình kinh tế tuần hoàn, và kinh tế xanh – bền vững. Từ đó, kỳ vọng xây dựng mạng lưới cho những người có chung quan tâm và tinh thần đổi mới trong lĩnh vực kinh tế xanh.

Bên trong nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân 

Chia sẻ với đoàn tham quan, ông Lê Anh - Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho biết, để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải thay đổi tư duy, thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt. Nếu các “đầu tàu" không nghĩ xanh thì không thể làm kinh tế xanh, mỗi doanh nghiệp sẽ tiếp cận kinh tế xanh theo một hướng khác nhau.

Doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy tái chế không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp cho môi trường sống thêm xanh. "Rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng là vấn đề cấp bách cần giải quyết không chỉ với mỗi quốc gia mà còn cả toàn cầu. Làm thế nào để giảm lượng rác thải ra mỗi ngày, làm sao để phân loại và xử lý rác hợp lý, từ đó giảm thiểu tác hại đến môi trường, rất cần ý thức, trách nhiệm của từng người dân, từng doanh nghiệp", đại diện Công ty Nhựa Duy Tân cho biết.

“Thông qua công tác tổ chức thu gom, tái chế và sản xuất ra hạt nhựa tái sinh chất lượng cao cho thị trường, nhà máy nhựa tái chế Duy Tân hướng đến mục tiêu dần hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa và chung tay vì một môi trường xanh – sạch – đẹp” - ông Lê Anh chia sẻ và cho biết thêm “Nhà máy đang được vận hành theo tiêu chí "3 không" trong quá trình sản xuất: không rác thải - không khí thải - không nước thải. Việc áp dụng tiêu chí này không chỉ giúp công ty thúc đẩy việc sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc tái sử dụng các nguồn năng lượng trong sản xuất”.

Theo đó, nhà máy nhựa tái chế Duy Tân có tổng công suất 100.000 tấn/năm. Hiện nay, nhà máy có công suất sản xuất 30.000 tấn nhựa/năm, kế hoạch giai đoạn 2 sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4,6 tỷ chai nước sẽ được tái chế.

 
Ngoài các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý, sản phẩm của công ty đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) là minh chứng cho chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh an toàn cho sức khỏe, phù hợp để sản xuất bao bì cho thực phẩm, bao gồm cả nước uống.

Ngoài ra, ngày 30/10/2023, nhà máy nhựa tái chế Duy Tân vinh dự đạt Chứng nhận Doanh nghiệp Công nghệ cao do Bộ Khoa học & Công nghệ cấp. “Đây là niềm tự hào và là một trong những bước tiến quan trọng đối với Công ty nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng sản xuất, năng lực cạnh tranh và là bước khởi đầu cho kế hoạch phát triển trong tương lai” - ông Lê Anh nhấn mạnh và cho biết, để đạt được chứng nhận này, toàn bộ hệ thống công nghệ của nhà máy nhựa tái chế Duy Tân đều phải đảm bảo các tiêu chí đánh giá tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị và hiệu quả cao; có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc quốc tế.
 

Chỉ riêng 10 tháng đầu năm nay, nhà máy đã thu gom và tái chế 18.200 tấn, tương đương 1,6 tỷ chai. Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Châu Âu với sản lượng xuất khẩu 9.100 tấn/56%.

“Hiện nay, nhà máy đã có những kế hoạch mở rộng máy móc, công suất, do đó, nhà máy đã đầu tư thêm dây chuyền thứ 2. Dây chuyền này có công suất lớn hơn từ 700-800m3/ngày,đêm để dự phòng cho các kế hoạch trong cuối năm 2023 và đầu năm 2024 để có thể triển khai. Dự kiến, năm tới, công suất của nhà máy sẽ tăng từ 2-3 lần, tuỳ vào thị trường và tình hình cụ thể” – hướng dẫn viên nói và cho biết thêm các máy tại đây có thể set-up, chạy tự động. Tuy nhiên, dựa vào nhiều điều kiện mà chúng ta can thiệp, có thể là con người hoặc tự động và bán tự động nhưng nếu đo về phần trăm thì chưa có số liệu cụ thể.

Công suất của các máy lắp đặt hiện nay, đều đã chạy đảm bảo điều kiện. Dù thị trường có lúc tăng lúc giảm, hay ở một thời điểm nào đó khó khăn thì công ty vẫn có hàng đã dự phòng, dự trữ trước đó để dùng.

Hướng dẫn viên cho biết, quy trình tái chế nhựa có 6 bước căn bản. Thứ nhất, thu gom rác thải nhựa; thứ hai là phân loại và sắp xếp; thứ 3 là rửa sạch các tạp chất cặn bã phế liệu; thứ 4 là nghiền và bằn phế liệu; thứ 5 là nung chảy và tái chế và cuối cùng là phân phối đồ tái chế đến tay người tiêu dùng.

Ông Lê Anh - Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho biết, nhà máy hướng đến mục tiêu dần hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa và chung tay vì một môi trường xanh – sạch – đẹp

Ông Bùi Phước Hòa, chuyên gia Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, đảng, nhà nước, các mặt trận cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân để họ hiểu rõ hơn về ngành tái chế, tái sinh. Quan trọng hơn là cần sự chung tay hỗ trợ của nhà nước về thuế phí, vì khi sản xuất cái gì liên quan đến tái chế, tái sinh rất tốn kém, tốn kém vô cùng. “Bởi muốn đảm bảo môi trường thì cần chi phí, mà chi phí như vậy thì nó lại không được nhà nước quan tâm triển khai về thuế. Ngành công nghiệp tái chế khác với vi sinh thế nào, một nhà máy nếu làm ra một sản phẩm vi sinh chi phí phải bỏ ra là rất ít, nhưng bán ra lại được lời hơn, trong khi đó, trường hợp làm tái chế thì vất vả, chi phí tái chế tăng cao nhưng tiền lời ít”, ông Bùi Phước Hoà cho hay.

Bên cạnh đó, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, quan trọng và cấp bách nhất là đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn trên cơ sở vừa tiếp tục nâng cao nhận thức người dân qua các kênh truyền thông đại chúng, vừa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 45 của Chính phủ. Bên cạnh giải pháp về phân loại rác tại nguồn, thành phố cần có chính sách thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm tái chế.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang