Xử phạt đơn vị kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu KIA, HYUNDAI

author 09:05 15/06/2024

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng vừa kiểm tra, xử phạt 20 triệu đồng đối với Công ty TNHH thương mại T.A về hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 11000010/QĐ-XPHC đối với Công ty TNHH thương mại TA, địa chỉ tổ 6, phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng về hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, buộc Công ty TNHH thương mại TA tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm 301 sản phẩm phụ tùng ô tô có gắn nhãn hiệu KIA, HYUNDAI.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 nhận được Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty TNHH tư vấn THB, địa chỉ số nhà 07, ngõ 202, đường Quyết Thắng, tổ 8, phường Yên Nghĩa, quận hà Đông, thành phố Hà Nội. Đội Quản lý thị trường số 1 đã phân công công chức áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thu thập thẩm tra, xác minh thông tin, kết quả thẩm tra, xác minh Công ty TNHH thương mại TA có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu HYUNDAI và KIA.

Xử phạt đơn vị kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Tiếp đó, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp Phòng cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Cao Bằng kiểm tra địa điểm kinh doanh Công ty TNHH thương mại TA, tổ 6, phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng. Qua kiểm tra phát hiện tại cửa hàng của Công ty TNHH thương mại TA đang bày bán 301 sản phẩm là phụ tùng ô tô gồm: Lọc gió điều hòa ô tô, lọc nhớt TUCSON, lọc gió SANTAFE… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu HYUNDAI và KIA. Đội Quản lý thị trường số 1 tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

Căn cứ kết quả trả lời Công ty TNHH tư vấn THB, Đội Quản lý thị trường số 1 đã làm việc với ông V.V.T là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH thương mại TA, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH thương mại TA đã thừa nhận hành vi vi phạm. Đội Quản lý thị trường số 1 lập biên bản vi phạm hành chính với Công ty TNHH thương mại TA về hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trình hồ sơ vụ việc đến cấp có thẩm quyền xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục phối hợp các cơ quan chức áp dụng biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 quy định: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa; bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng; hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu; hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Mọi hành vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Như vậy, quần áo giả nhãn hiệu chính là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; các hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về sản xuất; nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý như sau: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng: Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu: Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định: Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hoặc chỉ dẫn địa lý với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này; Buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa; đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 10 Điều này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này.

Anh Thư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang