Kỳ nhông khổng lồ cực hiếm xuất hiện ở Trung Quốc

author 16:42 14/12/2015

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một kỳ nhông khổng lồ, vô cùng hiếm gặp, ước tính tới hơn 200 năm tuổi, ở một hang động đá vôi biệt lập ở Trung Quốc.

Theo Một Thế Giới, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đăng tải một đoạn video về con kỳ nhông khổng lồ vô cùng quý hiếm. Con kỳ nhông này có chiều dài 1,4m và nặng 52 kg, hiện đang được các chuyên gia kiểm tra trước khi chuyển giao cho một trung tâm nghiên cứu địa phương.

Kỳ nhông là loài động vật lưỡng cư lớn nhất thế giới với chiều dài khi trưởng thành lên đến gần 2m dù ngày nay nó hiếm khi đạt độ dài đó. Đây cũng là một trong những loài động vật lâu đời nhất còn sống trên Trái đất hiện nay. Các nhà khoa học cho rằng loài kỳ nhông xuất hiện cách đây hơn 170 triệu năm cùng với một số loài khủng long.

Kỳ nhông khổng lồ cực hiếm xuất hiện ở Trung QuốcKỳ nhông khổng lồ 200 tuổi xuất hiện ở Trung Quốc

Kỳ nhông thường sống ở sông, suối có nước lạnh, trong. Loài sinh vật này thường ăn côn trùng, cá, ếch và thường có tuổi thọ trên 50 năm. Nó được xem là loài động vật quý hiếm, cần được bảo tồn.

Ở Trung Quốc, kỳ nhông khổng lồ còn được gọi là "wa wa yu" hay "cá sơ sinh" vì tiếng kêu khi gặp nạn giống tiếng khóc của trẻ em. Chúng thường sống ở các hang dưới nước, trong những khe đá lớn. Khi con cái đẻ trứng, con đực sẽ đảm nhiệm việc bảo vệ và chăm sóc trứng cho tới khi trứng nở một tháng sau đó, báo Vietnam net đưa tin.

Trong vòng 30 năm trở lại đây, số lượng loài kỳ nhông khổng lồ bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do việc bắt giết để ăn thịt của con người. Chỉ tính riêng ở Trung Quốc, kỳ nhông khổng lồ được coi là một món "sơn hào, hải vị" khan hiếm cũng như là nguồn dược liệu quý cho y học dân tộc cổ truyền. Da của kỳ nhông từ lâu cũng được cho là các tác dụng chống lão hóa cho con người, mặc dù hiện không có bằng chứng khoa học nào xác thực điều đó.

Dù kỳ nhông hiện là một loài động vật được bảo vệ ở Trung Quốc, nhưng chúng vẫn trở thành mục tiêu lùng bắt của những kẻ hám lợi. Do kỳ nhông di chuyển chậm nên những kẻ săn bắt trộm không gặp mấy khó khăn trong việc tóm bắt và giết hại kỳ nhông trong tổ của chúng.

Thu Thủy (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang