Ai sẽ bồi thường cho xe máy vi phạm giao thông tạm giữ bị cháy ở Đồng Nai?

author 12:39 09/04/2017

(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ xe máy vi phạm giao thông tạm giữ bị cháy ở Đồng Nai thì trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan đang tạm giữ phương tiện này.

Sự kiện: Tư vấn pháp luật vietq

Trong trường hợp người có xe bị cháy trong bãi giữ xe vi phạm của công an thuộc địa phận KP.2, P. Tam Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Vậy ai sẽ là người bồi thường cho tôi và bồi thường như thế nào?

Ai sẽ bồi thường cho xe máy vi phạm giao thông tạm giữ bị cháy ở Đồng Nai

Cả trăm xe trong kho xe bị cháy trơ khung. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trả lời:

Vụ việc bãi xe rộng khoảng 1.000 m2 với cả trăm xe máy tại Kho xe số 1 (kho tạm giữ xe vi phạm của Công an TP. Biên Hòa), nằm trên QL1, đoạn qua P. Tam Hòa (TP. Biên Hòa, Đồng Nau) bị thiêu rụi, mái che bị cháy đen... là một vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, cơ quan công an cần phải vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, thống kê thiệt hại để có hướng xử lý vụ việc theo pháp luật.

Những chiếc xe trên là tài sản của chủ phương tiện (đang bị tạm giữ để chờ xử lý hành chính) vì vậy trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan đang tạm giữ phương tiện này. Cơ quan giữ phương tiện này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giá trị những chiếc xe trên cho chủ xe theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, mức bồi thường như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Những điều cần biết về thủ tục đổi thẻ căn cước công dân(VietQ.vn) - Theo quy định của Bộ Tài chính, phí đổi thẻ căn cước công dân là 50.000 đồng. Tuy nhiên có những trường hợp được giảm hoặc miễn phí đổi thẻ căn cước công dân.

Xác định thiệt hại

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Nếu kết quả xác minh chứng minh có người đã đốt, hủy hoại những chiếc xe đó thì người cố ý gây thiệt hại về tài sản của người khác sẽ bị xem xét về tội  hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 BLHS, cụ thể như sau:

Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Cơ quan tạm giữ phương tiện chỉ không phải bồi thường nếu nguyên nhân vụ cháy là bất khả kháng, ngoài sự kiểm soát ý trí của con người theo quy định của Bộ luật dân sự: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép."

Nếu trong vụ việc trên mà người được giao quản lý bãi xe đó mà thiếu trách nhiệm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây ra hậu quả cháy bãi xe này thì người thi hành công vụ sẽ bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 285 Blhs, cụ thể như sau:

Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Luật sư Đặng Văn Cường

Văn phòng luật sư Chính Pháp

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang