Bánh mỳ bốc mùi, lổm nhổm kiến được 'hoá kiếp' thành bánh mỳ sấy tẩm bơ đường

author 07:07 20/06/2016

(VietQ.vn) - Do dùng bột nở và phụ gia, những chiếc bánh mỳ phổng phao, vàng ươm , sau vài giờ trở nên nhăn nheo, dai như ‘giẻ rách”, lổm nhổm kiến bò gặm nhấm.

 Hầu hết những chiếc bánh mỳ vàng óng, căng phồng bắt mắt được dử dụng bột nở, phụ gia

Tại một cơ sở sản xuất bánh mỳ gần đường 32 quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), mỗi buổi sáng có thể xuất hàng trăm chiếc cho các quán ăn trên địa bàn. Bánh mỳ bán ở đây rất đa dạng, bánh mặn, ngọt, bánh dừa, bánh ruốc…với kích thước khác nhau.

Bên trong xưởng sản xuất bánh, nham nhở những bao tải bột mỳ xếp chồng chéo lên nhau, bánh mỳ mốc, nhăn nhúm vương vãi khắp từ nắp lò nướng xuống đất. Chiếc xô đựng bột cám đầy bụi bẩn, đen kịt. Chỗ nhào nặn bánh lổm chổm nhiều vật dụng nồi niu và vật dụng sinh hoạt. Hơi nóng từ lò nướng bốc lên hầm hập đến ngạt thở.

Bánh mỳ nóng được chủ cơ sở xếp vào thùng xốp đặt gần vỉa hè bán dần cho khách. Đống vải màn bị loang lổ viết bẩn vẫn được chủ quán dùng để ủ bánh. Những chiếc bánh mỳ bán không hết ỉu xìu, co rúm, lổm nhổm kiến bu vào gặm nhấm.

Loại bánh mỳ có giá 2.000 đồng/chiếc nhìn phổng to, vàng ươm bắt mắt nhưng khi nắm lại chỉ còn một cục bé tý. Chủ cơ sở tiết lộ, bánh mỳ dùng bột nở nhiều nên xốp, chỉ còn vỏ thôi.

Theo tiết lộ của một phụ nữ tên Hà chuyên bán bánh mỳ dạo, bánh mỳ mùa hè bán chậm, sức tiêu thụ ít hơn mùa đông cho nên việc "ế" là hết sức bình thường.

"Bánh mỳ ế được chủ lò nhận lại và "xử lý thành bánh mỳ sấy tẩm bơ đường", chị Hà cho biết.

Theo chị Hà, bánh mỳ ế được chủ lò để chất đống cả mấy ngày, có khi bánh mỳ bốc mùi chua, côn trùng làm tổ ròi vẫn được đem đi xử lý làm bánh mỳ sấy.

 Bánh mỳ ế được chủ lò bánh mỳ "hóa kiếp" thành bánh mỳ sấy tẩm bơ đường

Một cở sở sản xuất khác gần đấy quy trình làm bánh cũng không đảm bảo vệ sinh, nền nhà nham nhở các công cụ làm bánh, nhiều dụng cụ đã hoen rỉ…bánh cũ ẩm mốc vương vãi khắp nơi.

Theo một người có kinh nghiệm làm bánh lâu năm, để kiếm lời nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng phụ gia. Dùng phụ gia 1kg bột mỳ có thể lời thêm được 5 chiếc trong khi đó làm bánh dễ dàng hơn, không cần người có tay nghề…Thậm chí hiện nay nhiều cơ sở còn sử dụng hóa chất có mùi bơ, dừa, sữa…để tạo độ bóng và mùi thơm.

Ngọc, sinh viên một trường đại học cho biết, bánh mỳ là món ăn khoái khẩu không chỉ Ngọc mà còn nhiều sinh viên khác vì vừa rẻ lại vừa nhanh gọn. Tuy nhiên, khi biết bánh mỳ có phụ gia nên cũng e dè không dám ăn nhiều như trước.

“Nhiều lần bận, chạy ra mua thì bánh mỳ đã ỉu xìu, co rúm thậm chí nhiều lần còn thấy kiến bu vào gặm nhấm, nhưng mà kẹt tiền nến cũng phải nhắm mắt mua”, Ngọc nói.

Hiện nay trên thị trường có nhiều phụ gia nhập từ Tây Ban Nha, Singapore, Malaysia…Phụ gia bánh mỳ chứa nhiều chất như emulsifiers, oxidant, enzyme, flour, gluten... giúp ổn định, hỗ trợ quá trình lên men bánh mì, làm tăng độ xốp. Tuy nhiên, nhiều loại phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng với nhiều công dụng như tăng chất lượng bột mỳ, giúp bột đặc… cũng được rao bán rầm rộ trên mạng.

Theo chuyên gia công nghệ thực phẩm, phụ gia được sử dụng trong bánh mỳ như muối phốt phát nếu không phải là phụ gia thực phẩm mà là hóa chất công nghiệp sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của người ăn. Đặc biệt, phụ gia E924 có tên tiếng anh là Potassium Bromat. Bản chất đây là chất ôxy hóa mạnh gây hại cho sức khỏe con người. Kali Bromat trong bánh mỳ có thể gây ung thư tuyến giáp và ung thư thận.

Chuyên gia Việt: Đừng dại ăn nhiều bánh mỳ trắng, bỏng ngô(VietQ.vn) - Nghiên cứu của Mỹ nói: Ăn nhiều bánh mỳ, bỏng ngô tăng nguy cơ ung thư phổi còn chuyên gia Việt khuyên: Nó dễ gây ra các bệnh có chỉ số đường huyết cao.

Nhật Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang