Bao giờ hết cảnh thủ tục "bố" đẻ thêm các thủ tục "con"?

author 14:33 31/07/2014

(VietQ.vn) - “Sau nhiều thủ tục bố lại tới các thủ tục con…Nhiều khi người ban hành luật cũng không thể nhận ra cái gì đúng cái gì sai”

Nhận định trên được nhiều chuyên gia tán đồng tại Hội thảo cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam, diễn ra sáng 31/7

Các nước làm được sao Việt Nam lại không?

Nghị quyết 19/2014/NQ-CP, ban hành ngày 18/3/2014 được đánh giá là gói cải cách có ảnh hưởng sâu rộng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết  trên là nâng cao các chỉ số cạnh tranh của Việt Nam ngang bằng mức trung bình của 6 nước trong khối ASEAN (Indonesia, Thái Lan, Philipines, Malaysia, Brunei, Singapore)

Doanh nghiệp tại Việt Nam hiện vẫn phải chi phí tốn kém về tiền bạc lẫn thời gian cho các thủ tục hành chính

So sánh các nước trong khu vực cho thấy, thời gian nộp thuế trung bình của các nước ASEAN 6 là 171 giờ/năm, trong đó Indonesia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philippines là 193 giờ, Malaysia là 133 giờ, Brunei là 96 giờ và Singapore là 82 giờ. Tuy nhiên, thời gian trung bình nộp thuế của một DN tại Việt Nam phải mất 876 giờ/năm.

Tương tự, thời gian xuất khẩu trung bình của các nước ASEAN 6 hiện là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày, trong đó Indonesia là 17 và 23 ngày, Thái Lan là 14 và 13 ngày, Philippines là 14 và 15 ngày, Malaysia là 11 và 8 ngày, Brunei là 19 và 15 ngày, Singapore là 5 và ngày. Còn Việt Nam hiện thời gian xuất khẩu và nhập khẩu đều mất 21 ngày.

Chuyên gia của cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh đối với DN thời gian cũng là tiền bạc. Khi thời gian cho các thủ tục hành chính được rút ngắn sẽ không những tiết kiệm chi phí cho DN mà còn tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Ví dụ từ Malysia, người ta ước tính khi nước này quyết định rút ngắn 154 ngày cho thời gian xin giấy phép xây dựng, thì  tổng số tiền tiết kiệm đã lên tới hơn 21 triệu USD.

Một ví dụ khác đó là Gruzia, một đất nước được đánh giá có bối cảnh kinh tế khá tương đồng với Việt Nam song chỉ sau 4 năm cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính (từ 2005-2009) vị trí năng lực cạnh tranh của đất nước này đã tăng hơn 100 bậc kèm theo nhiều kết quả tăng trưởng khác như: GDP tăng 67,6%; thu thuế tăng 121%; kim ngạch thương mại tăng 50%; lương tăng 65%...

Cho rằng thủ tục hành chính của Việt Nam hiện quá rắc rối, phiền hà,TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ ví von: “Sau nhiều thủ tục bố lại tới các thủ tục con…Nhiều khi người ban hành cũng không thể nhận ra mà chỉ có người giải quyết công việc mới thấy được cái nào đúng và cái nào sai…”

Nhìn từ thực tiễn ông Cung đặt câu hỏi:  “Các nước làm được sao Việt Nam lại không làm được trong khi nội lực mình chẳng có gì thua kém, thậm chí còn có nhiều thứ hơn họ, đặc biệt quyết tâm chính trị về cải cách thể chế kinh tế đã được đặt ra từ lâu”.

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ,  Việt Nam nên thay đổi quan điểm cải cách đừng nên lấy lý do “ mình khác các nước khác” mà phải trên cơ sở thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế.

Kinh tế không thể cạnh tranh khi thể chế tồi

Đồng tình với quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh cần phải thay đổi cách tiếp cận về cải cách. “ Chúng ta đang hội nhập trong thế giới toàn cầu hóa mà lại cứ muốn mình khác biệt là sao? Khác biệt tốt thì không sao những đây lại là kiểu khác biệt theo kiểu tồi hơn thì không thể chấp nhận được!  Khi một thể chế kém cạnh tranh thì DN chắc chắn cũng không có sức cạnh tranh. Nền kinh tế sẽ không thể cạnh tranh trong một thể chế tồi”.

Hiện tại chỉ số môi trường kinh doanh của  Việt Nam đang xếp hạng 99/189 nước, tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nếu cộng thêm chỉ tiêu về thu nhập thì Việt Nam đang đứng hàng “ đội sổ”.

Thừa nhận tư duy, cách tiếp cận về cải cách thủ tục hành chính đã được thay đổi song bà Phạm Chi Lan vẫn tỏ ra day dứt trước thực trạng làm luật tại Việt Nam.

“ Việt Nam cho tới bây giờ  tư duy cơ bản của người làm luật và làm chính sách vẫn dựa trên tâm lý nghi ngờ. Nghi ngờ với xã hội, với DN với người dân. Chính vì vậy khi họ thiết kế thủ tục phải bằng mọi cách làm sao quản lý thật chặt đối với DN, với người dân. Tôi thực sự phục cơ quan quản lý nhà nước vì họ quá tài khi nghĩ ra những quy đĩnh xử phạt hành chính tỉ mẩn kinh khủng, những hành vi mà người dân rất dễ vi phạm. Trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước đưa ra bao nhiêu quy định chồng chéo thậm chí là vi phạm nhưng hiếm khi bị động tới.”

Dẫn lại lời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Cơ quan quản lý luôn giành thuận lợi cho mình đẩy phần khó khăn cho DN và người dân”, nữ chuyên gia nhấn mạnh:  Tới bây giờ tư duy trên thậm chí còn nặng nề hơn, đẻ ra nhiều thủ tục, giấy tờ so với giai đoạn trước.

Bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: Liệu phức tạp của chính sách có phải do cuộc sống ngày càng phức tạp thêm hay không? "Cuộc sống thay đổi là điều tất nhiên song nguyên nhân chính là  các cơ quan quản lý không tự nâng mình lên phù hợp thời đại, nên vẫn cố đẻ thêm chính sách quản lý, bộ máy quản lý  cũng vì thế mà thêm cồng kềnh”.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế, thừa nhận: “ Đã từng công tác tại Tổng Cục thuế , tôi thấu hiểu được cảnh tư duy quản lý trước thời điểm đất nước mới hội nhập. Đúng là chúng ta đang quản lý theo tư duy nghi ngờ, sợ mọi sai phạm có thể xảy ra nên đã bịt tất cả các kẽ hở gây khó cho người làm ăn chính đáng.”

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang