5 loại bệnh dễ ‘tấn công’ con người mùa mưa ngập?

author 18:46 31/07/2015

(VietQ.vn) - Việt Nam đang bước vào mùa mưa lụt diễn biến bất thường. Đây chính là thời điểm nhiều căn bệnh về hô hấp, da, cảm cúm và tiêu hóa xuất hiện. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân lưu ý phòng ngừa.

1. Tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy cấp tính có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên nhưng đứng đầu vẫn là vi khuẩn tả (Vibrio cholerae). Ở những vùng miền xảy ra bão lũ, nếu trong các nguồn nước có vi khuẩn tả cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả, vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn Shigella, lỵ Amip, vi khuẩn E.coli, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác cũng đóng vai trò đáng kể trong việc gây bệnh tiêu chảy thường gặp ở vùng bão lũ. Công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước dùng trong sinh hoạt (ăn, uống) không bảo đảm là nguyên nhân sinh sôi các loại vi khuẩn độc hại trên.

Ngoài ra, bệnh tiêu chảy còn do các loại virus khác nhau gây ra mà một trong số đó có thể gặp trong mùa mưa lũ là Rotavirus. Ở trẻ em, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus là rất lớn và khả năng lây lan cũng nhanh, nhất là khi dùng nước ăn, uống không hợp vệ sinh sau lũ lụt.

Bệnh nào dễ ‘tấn công’ con người mùa mưa ngập?

Bệnh nào dễ ‘tấn công’ con người mùa mưa ngập? Ảnh: Thanh Niên

2. Giun sán

Ngoài ra, con người sống trong vùng mưa ngập dễ bị nhiễm các loại giun sán, sốt vàng da, chảy máu sau lũ lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này qua nước tiểu ra môi trường bên ngoài và hòa vào dòng nước. Trong và sau mưa lũ, nếu con người ngâm mình lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể.

3. Sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus.

Ở Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên bệnh sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.

Cách phòng bệnh tốt nhất là người dân thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy; loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn. Ngoài ra, các bậc cha mẹ hết sức chú ý đến việc phòng chống muỗi đốt cho trẻ, mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày.

4. Cảm cúm

Thời tiết ẩm thấp, mưa gió như hiện nay khiến mọi người rất dễ nhiễm lạnh, hay còn gọi là cảm mạo phong hàn. Đây là những bệnh truyền nhiễm do một số virus khác nhau gây ra và thường xảy ra nhất trên thế giới.

Cảm lạnh thông thường và cúm có thể bao gồm ho, chảy nước mũi, hắt hơi... Bệnh thường lây lan trong không khí và qua tiếp xúc, ví dụ như hít phải virus bệnh trong không khí, tiếp xúc chung đồ vật với người bị bệnh...

Để phòng bệnh, bạn hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng áo mưa khi ra đường, không nên dầm mưa và không để cơ thể bị ướt quá lâu trong nước mưa. 

Bạn cũng có thể tăng sức khỏe bằng việc bổ sung dinh dưỡng qua những thực phẩm tốt như hoa quả giàu vitamin C, thịt cá, trứng sữa, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, nhất là nước gừng tươi...

Khi bị cảm lạnh thông thường, người bệnh nên uống nhiều chất lỏng như nước, nước trái cây tươi... Súc miệng bằng nước muối ấm, tránh hút thuốc và uống rượu cũng là một cách để phòng bệnh cảm lạnh.

5. Các bệnh về da

Một trong những bệnh thường gặp vào mùa mưa, nhất là khi đường phố thường xuyên ngập nước, đó là các bệnh ngoài da như nước ăn chân, viêm nang lông, mụn mủ trên da, viêm ké...

Để phòng tránh các căn bệnh này, người dân cần chú ý chọn lộ trình phù hợp tránh các con đường ngập nước. Khi làm công việc bắt buộc phải tiếp xúc với nước hoặc ra ngoài trời mưa, cần chuẩn bị sẵn áo mưa hoặc các đồ bảo vệ khác.

Nếu chẳng may dính nước mưa, nước ngập, người dân cần vệ sinh sạch sẽ, lau khô. Khi da bị tổn thương, ngứa, loét, là chỗ vi khuẩn tấn công tạo thành những mụn mủ trên da cần vệ sinh thật sạch bằng cồn nhẹ, nước sạch và đến ngay thầy thuốc.

Bên cạnh việc phòng tránh một số bệnh nêu trên, người dân cũng phải lưu ý tới một số căn bệnh khác thường xuất hiện trong mùa mưa như: sốt phát ban, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng nước, bệnh tả, bệnh trùng xoắn móc câu (khuẩn xoắn móc câu kí sinh có thể gây nguy hại cho thận, gan, gây viêm màng não và hô hấp cấp)… Từ đó, bạn sẽ biết cách chuẩn bị “cơ chế bảo vệ” sức khỏe phù hợp với mình khi một mùa mưa nữa lại bắt đầu.

Khuyến cáo khẩn

Trước những nguy cơ gây bệnh hiện hữu trong mùa mưa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lo ngại và đưa ra khuyến cáo:

Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B hoặc viên Aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

- Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

- Các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang