Bình Định: Nghiên cứu ương, nuôi lươn đồng thương phẩm

author 18:04 11/10/2016

(VietQ.vn) - Vừa qua, Bình Định đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực nghiệm sinh sản nhân tạo, ương và nuôi thương phẩm lươn đồng”.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

 Lươn đồng  (Monopterus albus, Zuiew 1793) được thực nghiệm sinh sản nhân tạo, ương và nuôi thương phẩm tại Bình Định. Ảnh minh họa

Hội đồng chuyên ngành KH&CN tỉnh Bình Định đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực nghiệm sinh sản nhân tạo, ương và nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus, Zuiew 1793) tại Bình Định”. Dự án do Kỹ sư Nguyễn Thế Vũ làm chủ nhiệm và Trung tâm giống thủy sản Bình Định chủ trì.

Qua hơn 2 năm thực hiện, từ năm 2014 đến nay, đề tài đã thử nghiệm ương lươn bột lên lươn hương, lươn giống cấp 1, giống cấp 2 và nuôi thương phẩm lươn đồng không bùn tại Bình Định. Kết quả cho thấy: ương lươn bột lên lươn tỷ lệ sống trung bình 56,02%, trọng lượng đạt 0.3g/con, mật độ ương 300 con/m2.

Lươn hương ương lên giống cấp 1 tỷ lệ sống trung bình 76,85%, trọng lượng đạt 4,2g/con, mật độ ương 200 con/m2. Lươn giống cấp 1 ương lên giống cấp 2 tỷ lệ sống trung bình 80,87%, trọng lượng đạt 15,29g/con, mật độ ương 150 con/m2. Bên cạnh cho sinh sản và sản xuất con giống, đề tài còn nuôi thử nghiệm 6 mô hình lươn đồng không bùn tại các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Quy Nhơn, Hoài Ân, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh.

Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng trung bình 206,25 g/con, tỷ lệ sống đạt 78,75%, mật độ thích hợp thả nuôi 150 con/m2, thức ăn chế biến theo tỷ lệ phối trộn 70% cá tạp, 30% cám.

Đây là lần đầu tiên lươn đồng được cho sinh sản nhân tạo, ương và nuôi thương phẩm tại Bình Định. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy đặc sản tại Bình Định.

Đề tài đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu với mức khá.

Theo các chuyên gia khoa thủy sản – Đại học Cần Thơ cho biết, đặc điểm của lươn đồng (Monopterus albus, Zuiew 1793) có thân dài, phần trước tròn, phần sau dẹp bên và mỏng. Toàn thân không có vẩy. Ðường bên hoàn toàn, chạy dọc theo trục giữa thân từ sau đầu đến gốc vây đuôi.

Màu sắc của lươn có thể thay đổi theo môi trường sống. Nhìn chung, lươn có màu lưng hơi nâu sậm, vàng nâu, bụng có màu vàng nhạt. Lươn có đầu hơi dẹp bên, miệng có thể mở rất rộng, xương hàm cứng và chắc. Vây lưng, vây hậu môn, vây đuôi nối liền với nhau và tia vây không rõ ràng.

Lươn tập trung nhiều nhất ở ĐBSCL, sống phổ biến trong trong các ao, hồ, sông rạch, ruộng lúa nơi có nhiều mùn bã hữu cơ và sinh vật nhỏ làm thức ăn. Lươn có khả năng chịu đựng khô hạn bằng cách chui rúc vào trong đất ẩm. Sinh trưởng của lươn phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố. Nhưng nhìn chung tốc độ sinh trưởng của lươn chậm so với một số giống loài thuỷ sản khác. Ở môi trường tự nhiên sau một năm lươn có thể đạt trọng lượng 200 – 300 g/con.

Nhiệt độ thích hợp nhất cho lươn sinh trưởng từ 25 – 28 độ C. Khi nhiệt độ thấp hơn 18 độ C lươn bỏ ăn và dưới 10 độ C lươn sẽ chui xuống bùn trú đông.

Lươn thành thục khá sớm (1 tuổi), điều đặc biệt là lươn có sự chuyển giới tính. Theo Mai Ðình Yên (1978), lươn có kích cỡ nhỏ (dưới 25 cm) hoàn toàn là lươn cái, cỡ 25 – 54 cm có cả con đực, con cái và con lưỡng tính, cỡ lớn hơn (trên 54 cm) thì hoàn toàn là lươn đực. Tuy nhiên đặc điểm này lươn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long không rõ ràng.

Một số nghiên cứu cho thấy, lươn ở ÐBSCL có kích cỡ từ 18 – 38 cm là lươn đực và trên 38 cm có cả lươn cái, lươn đực và lưỡng tính. Tùy vào kích cỡ của lươn, sức sinh sản có thể từ 100 – 1.500 trứng/con. Đường kính trứng có thể đến 4mm.

Khi sinh sản, lươn làm tổ bằng cách đào hang ở cạnh bờ và nhả bọt lên miệng hang để bao bọc trứng. Bọt do lươn nhả ra vừa có tác dụng bảo vệ trứng vừa có tác dụng giữ trứng tập trung trong tổ. Vào mùa sinh sản, sau những trận mưa và lúc trời gần sáng là thời điểm lươn đẻ tập trung. Trước khi đẻ, lươn đực phun bọt vào trong tổ, sau đó lươn cái đẻ trứng và con đực cắp trứng vào tổ.

Đức Mậu

An Giang: Tổ chức Hội thảo năng suất, chất lượng ĐB Sông Cửu Long(VietQ.vn) - Vừa qua, An Giang tổ chức Hội thảo giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang