Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Phát triển công nghệ IoT còn nhiều thách thức

author 06:11 29/10/2018

(VietQ.vn) - Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, IoT vẫn còn đang ở giai đoạn tiếp tục phát triển hoàn thiện và còn nhiều thách thức cần được giải quyết để tham gia ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Từng phát biểu tại Hội thảo chuyên đề ứng dụng Internet kết nối vạn vật (IoT) trong đô thị thông minh, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, IoT được đánh giá là công nghệ mang tính cách mạng, dẫn dắt sự thay đổi trong tương lai, ứng dụng được trong mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế - xã hội như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, du lịch...

Tuy nhiên, về mặt thực chất, IoT vẫn còn đang ở giai đoạn tiếp tục phát triển hoàn thiện, và còn nhiều vấn đề, thách thức cần phải được nghiên cứu giải quyết để tham gia ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các thách thức được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chỉ ra đó là các vấn đề kỹ thuật, bao gồm khả năng tương tác và khả năng mở rộng vì hàng tỷ thiết bị không đồng nhất sẽ được kết nối; các vấn đề về hiệu quả tiêu hao năng lượng; quản lý, xử lý, phân tích dữ liệu lớn; đảm bảo an ninh thông tin; tích hợp các kiến thức nghiên cứu chuyên sâu của các ngành, lĩnh vực khác nhau như tài nguyên môi trường, nông nghiệp, xây dựng, giao thông…

Theo hướng này, IoT cũng đặt ra hàng loạt thách thức đối với doanh nghiệp và xã hội về phát triển các mô hình kinh doanh IoT, về pháp lý và đạo đức, quyền riêng tư về thu thập dữ liệu. Với nhiều tiềm năng cũng như thách thức của IoT, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang có những nghiên cứu một cách tổng thể, từ đó ban hành các chủ trương, xây dựng các chính sách phù hợp cho sự phát triển tiềm năng của công nghệ này.

IoT là một trong những công nghệ có khả năng thay đổi mạnh mẽ đời sống xã hội. Ảnh minh họa

Đối với doanh nghiệp, để có thể tận dụng được cơ hội từ IoT cần kết hợp nghiên cứu, phát triển với điều kiện thị trường và phản hồi của người tiêu dùng. Làm được điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm IoT có giá trị cao nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng thông tin thêm, tại Việt Nam, các ứng dụng gần với IoT đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong một thời gian dài dưới các hình thức tự động hóa như hệ thống điều khiển đèn giao thông, hệ thống tưới tiêu tự động…

Các công nghệ nền tảng của IoT như mạng thế hệ mới, IPv6, truyền thông không dây, công nghệ nano và cảm biến, lưu trữ và tính toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn, bảo mật thông tin và lưu trữ năng lượng cũng đã có một quá trình được đầu tư nghiên cứu, làm chủ, phát triển và ứng dụng. Các công ty lớn ở Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu, triển khai, ứng dụng IoT như VNPT, Vingroup… cũng đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp với công nghệ IoT được hình thành và có những thành công bước đầu như Hachi, ArgiMedia…

Gần đây, để tập trung hơn nữa cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ IoT, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và khuyến khích phát triển, trong đó đã bổ sung IoT và Danh mục công nghệ; Modun, thiết bị, phần mềm, giải pháp tích hợp IoT vào Danh mục sản phẩm.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp khi sản xuất sản phẩm IoT, ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất sẽ được nhận những ưu đãi cao nhất của Nhà nước theo pháp luật về công nghệ cao.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành và đang tổ chức thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, trong đó phát triển, ứng dụng công nghệ IoT là một trong những mục tiêu chính của Chương trình.

IoT giúp từng người Việt Nam có thể sáng tạo

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tương lai của ngành sản xuất các thiết bị IoT còn lớn mạnh hơn ngành sản xuất điện thoại di động, với hàng ngàn tỷ thiết bị. Do Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội sản xuất thiết bị dân dụng như điện thoại di động nên cần phải nắm bắt cơ hội với các thiết bị IoT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm, IoT sẽ tạo ra rất nhiều dữ liệu và là cách để chuyển thế giới vật lý thành thế giới ảo và làm con người sáng tạo hơn. Khi đó toàn bộ thế giới được ảo hóa, quá trình sáng tạo, thiết kế sản phẩm mẫu, thí nghiệm sẽ được thực hiện trong thế giới ảo. Do đó sẽ nhanh hơn và đỡ tốn kém hơn khi thực hiện trong thế giới thực.

“IoT giúp từng người Việt Nam có thể sáng tạo. IoT làm thế giới thông minh hơn, những vật vô tri sẽ cất tiếng nói, các con đường trong nội đô có thể nói rằng tôi còn chỗ trống và bạn có thể “parking” (đậu xe)", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng diễn giải.

Bảo Lâm

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'IoT làm những vật vô tri cất tiếng nói'(VietQ.vn) - “IoT giúp từng người Việt Nam có thể sáng tạo. IoT làm thế giới thông minh hơn, những vật vô tri sẽ cất tiếng nói' - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang