Bước tiếp cuộc hành trình 'tìm chất'

author 09:30 16/02/2018

(VietQ.vn) - Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được xác định là một trụ cột quan trọng trong hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL).

Những người làm trong mảng này luôn "đau đáu" một niềm tin "tìm chất" để bảo vệ người tiêu dùng, tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh nhất.

Đinh Dậu có nhiều dấu ấn

Vào những ngày đầu tiên của năm Mậu Tuất 2018, hội nghị tổng kết công tác năm và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa được diễn ra. Tham dự hội nghị này ngoài lãnh đạo Tổng cục còn có đại diện của các đơn vị trong Tổng cục và đặc biệt là đầy đủ công chức, viên chức, người lao động của Cục, đại diện Chi cục miền Trung, Chi cục miền Nam tham dự.

Theo báo cáo của ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, năm qua Cục đã hoàn thành tốt kế hoạch được giao đẩy mạnh hoạt động kiểm tra đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, lưu thông, nhập khẩu. Tiến hành kiểm tra theo chuyên đề cũng như kiểm tra đột xuất. Khảo sát nắm tình hình chất lượng, cung cấp thông tin cảnh báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện kịp thời các nhiệm vụ phát sinh đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục, Ban chỉ đạo 389. Tích cực tham gia các hoạt động liên ngành của Ban chỉ đạo 389, Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm, hoàn thành tốt các công tác theo phân công là chủ trì hoặc phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Cục An toàn thực phẩm và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hóa, chống hàng giả và gian lận thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm.

 Công tác quản lý chất lượng thời gian qua có nhiều kết quả nổi bật. Ảnh Huy Hùng

Về xây dựng văn bản pháp quy và cải cách thủ tục hành chính, ông Trần Quốc Tuấn cho biết, Cục đã tham gia tích cực công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, chống hàng giả, gian lận thương mại, gian lận đo lường chất lượng như Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa - thay thế Nghị định 89/2006. Sửa đổi bổ sung thông tư số 26/2012/ TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường. Đẩy mạnh triển khai dự án ứng dụng công nghệ của Bộ KH&CN kết nối với hệ thống thông tin của Bộ Tài chính trên cơ chế 1 cửa quốc gia để triển khai 4 thủ tục hành chính về kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Phê duyệt mẫu phương tiện đo nhập khẩu; kiểm tra nhà nước về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn nhập khẩu và cấp giấy lưu thông hàng tự do.

Còn về kiểm tra chất lượng hàng hóa đã đẩy mạnh, đạt hiệu quả cao. Trong đó có việc tăng cường tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo kế hoạch, đột xuất, chuyên đề như chất lượng xăng dầu, điện điện tử, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, vàng, trang sức mỹ nghệ... thực hiện xử lý theo thẩm quyền, chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý và thông tin cảnh báo kịp thời về chất lượng sản phẩm hàng hóa đồ chơi trẻ em có nguy cơ mất an toàn. Đẩy mạnh khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với các hàng hóa thuộc trách nhiệm các bộ ngành theo kế hoạch và chỉ đạo của Tổng cục.

Trong số các cuộc kiểm tra chất lượng hàng hóa, điển hình phải kể tới vụ Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thông báo tạm dừng lưu thông 2 lô xăng A92 tổng khối lượng 4542 lít tại cửa hàng xăng dầu Bãi Bò, thôn Như Thiết, Xã Hồng Thái (Việt Yên - Bắc Giang) và chuyển hồ sơ sang cho Quản lý thị trường Bắc Giang trình UBND tỉnh này xử phạt...

Tiếp bước cuộc hành trình tìm chất

Năm Đinh Dậu được coi là nhiều dấu ấn nổi bật đối với công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa bởi công tác này đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Bộ ngành và trực tiếp là Bộ KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Sự phối kết hợp chặt chẽ, mật thiết, sâu sắc cùng với cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Y tế đã ngày càng đẩy công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đến những "nấc thang" cao hơn của mái nhà chất lượng. Thế nhưng cũng có một thực tế rằng: Nguồn lực cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa dù có được quan tâm, đầu tư nhưng vẫn còn thiếu. Kinh phí hạn chế, thiếu phương tiện kỹ thuật, dụng cụ kiểm tra đặc thù trong khi các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận đo lường, hàng giả, hàng nhái lại diễn biến cực kỳ phức tạp và ngày càng tinh vi hơn.

Kể một câu chuyện về sự tinh vi của những "kẻ" làm hàng giả, hàng nhái, ông Lại Duy Doanh - Trưởng phòng Quản lý Chất lượng 1 cho biết, giờ với nguồn lực ít, các cán bộ làm công tác quản lý chất lượng cũng phải linh động, tiết kiệm và sáng tạo trong quá trình giám sát, kiểm tra.

"Chúng tôi đã đặt vai mình vào nhiều vai khác nhau, trong đó có vai của cả người tiêu dùng để tiếp cận, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa trên thị trường kiểm chất lượng. Đa số các mẫu xăng dầu nghi ngờ qua test nhanh, khi thử nghiệm tai Phòng thử nghiêm đều phát hiện vi phạm chất lượng", ông Doanh cho biết.

Ông Nguyễn Thành Hiển - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam lại kể một thực tế khác, trong quá trình rà soát nắm bắt thị trường hàng hóa ở các địa phương, phát hiện thương nhân sản xuất ra loại mũ thể thao rất giống mũ bảo hiểm. Tuy nhiên trên sản phẩm mũ thể thao đề rõ là không phải mũ bảo hiểm và không dùng cho người đi mô tô, xe máy. Trong khi đó, người đi mô tô, xe gắn máy lại sử dụng loại mũ đó rất nhiều. Mà nếu đã dùng là không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình theo đoàn của cơ quan chức năng đi lấy mẫu khảo sát chất lượng trên thị trường nhận thấy rằng, để nhận ra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không quá khó nhưng tìm được dấu vết của những "kẻ" buôn bán và làm ra những mặt hàng đó là điều không đơn giản. Trong một lần phóng viên chúng tôi thâm nhập thực tế lấy mẫu thiết bị được gọi là tiết kiệm điện trên thị trường, những sản phẩm chỉ được bán trực tiếp trên mạng xã hội, không rõ địa chỉ, không chế độ bảo hành và người bán ship tận nơi nên cũng rất khó tìm được họ.

Chia sẻ với những khó khăn và những kết quả nổi bật của công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, thay mặt lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải đánh giá cao những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên của Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa thời gian qua. Phó Tổng cục trưởng cho rằng, Cục tiếp tục khắc phục những thiếu thốn về trang thiết bị, kinh phí còn hạn hẹp, đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyên môn, hợp tác trong đó có việc khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải cũng yêu cầu, Cục cần phải có phương hướng kịp thời cho một loạt các quy chuẩn sắp được ban hành. Tiến hành khảo sát và tuyên truyền rộng rãi đến toàn xã hội.

Hồng Anh

 

‘Nét chấm phá’ trong bức tranh chất lượng hàng hóa và thị trường 2017(VietQ.vn) - Năm 2017, hàng Việt Nam đã có những bước tiến bộ trước sức ép của hàng hóa nước ngoài, một số nhóm mặt hàng đã được cải tiến đổi mới về chất lượng và mẫu mã, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang