Các tỉnh vùng núi phía Bắc thiệt hại nặng nề sau những trận lũ lớn

author 07:33 06/08/2017

(VietQ.vn) - Mưa lớn kéo dài tại các tỉnh miền núi phía Bắc khiến lũ quét, lũ ống hoành hành gây ngập nặng nhiều khu dân cư, có nơi ngập sâu đến 2 m.

Sự kiện: Dự báo thời tiết

Theo trông tin trên báo Tri thức trực tuyến, mưa lớn kéo dài, tại khu vực xã biên giới Mường Lói, huyện Điện Biên (Điện Biên) khiến lũ ống tràn về gây ngập nặng nhiều khu dân cư, có nơi ngập sâu đến 2 m. Lũ tràn về khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp, nhà dân và công trình tại xã Mường Lói bị xói lở, ngập sâu.

 Điểm trường Mầm non Na Cọ và Trạm y tế xã Mường Lói bị ngập sâu gần 2 m. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Điểm trường Mầm non Na Cọ và Trạm y tế xã Mường Lói bị ngập sâu gần 2 m làm hư hỏng nhiều máy tính, trang thiết bị và đồ dùng học tập của học sinh. Nhiều cán bộ chiến sĩ đã được huy động để giúp người dân hạn chế tối đa thiệt hại sau cơn lũ.

Báo Bnews (TTXVN) đưa tin, thiệt hại của mưa lũ ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La những ngày qua rất nặng nề. Con số thương vong tại huyện Mường La tính đến 11 giờ ngày 5/8 đã lên tới 12 người chết, 3 người mất tích, 10 người bị thương. Hơn 210 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 90 nhà bị ảnh hưởng.

Lũ dữ mới tạm đi qua nhưng người dân ở vùng rốn lũ Nặm Păm, Mường La vẫn còn rất bàng hoàng vì sự tàn phá khủng khiếp của nó. Với đặc thù sinh hoạt của đồng bào dân tộc nơi đây thường sống ven những con suối nhỏ để thuận tiện cho sinh hoạt, sản xuất. Cuộc sống cứ thế trôi qua bình yên nếu không có trận lũ vừa qua. Trận lũ lịch sử được biết đến là lớn nhất trong gần 70 năm trở lại đây. 

Không ai có thể ngờ rằng, con suối nhỏ vốn hiền hòa, bình yên chảy qua bản Hua Nặm để cung cấp nước cho bà con nay trở thành “con thú dữ”, cuốn phăng tất cả mọi thứ. Tần ngần bên ngôi nhà đổ nát, ngổn ngang đất đá, anh Quàng Văn Chủ ở bản Hua Nặm, xã Nặm Păm đang cố tìm kiếm những đồ đạc của gia đình còn sót lại.

Những hộ gia đình bị mất nhà, tài sản phải ở tại các địa điểm chính quyền hỗ trợ. Ảnh: Giao thông

 Những hộ gia đình bị mất nhà, tài sản phải ở tại các địa điểm chính quyền hỗ trợ. Ảnh: Giao thông

Với vẻ mặt vẫn còn lo sợ anh Quàng Văn Chủ nhớ lại, gia đình anh đang ngủ, đến khoảng 12h đêm nghe tiếng nước về nhiều quá, thế là tỉnh dậy. Lúc đó nước tràn đến nhà rồi, may mà người chạy kịp thoát. Nhà cửa bị cuốn trôi đi hết không kịp lấy gì. 

Còn theo những người già ở bản Hua Nặm đây là lần đầu tiên họ gặp trận lũ quét kinh hoàng như thế. Ông Quàng Văn Khan, Phó Bí thư Chi bộ bản Hua Nặm cho biết, con suối này từ lúc ông sinh ra và lớn lên chưa từng thấy nước lũ lớn như thế này.

Bình thường nước chảy sang bên kia, không đổ thẳng vào khu dân cư. Còn nước chảy sang bên này thì theo mương nhỏ, đủ tưới tiêu và sinh hoạt hàng ngày. Vào đêm 2/8, rạng sáng 3/8, mưa tầm tã từ 12h đêm đến 1h sáng. Thấy nước về nhiều, ông đã hô hào dân bản tìm cách tránh lũ. Lúc đó, chỉ còn kịp đưa một số xe máy và trâu bò lên trên núi cao, còn nhà của gần 40 hộ dân đã bị quét sạch. 

Những trường hợp may mắn sống sót khi bị lũ cuốn được coi như một phép màu. Tuy nhiên, khi vừa thoát khỏi “tử thần” những người dân ở đây lại đối mặt với hàng trăm nỗi lo khác. 

Cảnh báo mưa lớn ở Bắc Bộ, lũ quét, sạt lở đất ở miền núi(VietQ.vn) - Ngày hôm nay, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ nên ở phía Đông Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông

Báo Giao thông đưa tin, chiều 5/8, Mù Cang Chải (Yên Bái) tiếp tục mưa lớn, suối Nậm Kim chảy siết, lượng nước lớn khiến con suối tiếp tục dâng cao khiến cho công tác tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích gặp khó khăn. Việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau lũ ống kinh hoàng tại các vị trí gây thiệt hại cũng bị gián đoạn. Để đảm bảo an toàn cho người dân, tại một số điểm bị lũ phá hạ tầng đã được cắt điện, đóng kín cửa và phun thuốc chống vi khuẩn, giữ vệ sinh môi trường.

Tại trụ sở Viện kiểm sát (cũ) trên con dốc khá cao và an toàn, một số hộ dân bị lũ cuốn nhà và tài sản đã được đưa đến để tạm ăn ở. Mặc dù các phòng ở đã để trống lâu ngày nhưng vẫn rất khô ráo, sạch sẽ và đầy đủ điện nước. Để có thể sinh hoạt, những người thân của các hộ gia đình này đã mang giường chiếu, chăn gối, bát đũa và nồi niêu, bếp đến để có thể ngủ, ăn qua ngày.

Ông Phạm Xuân Thanh cho biết: "Gia đình tôi bị lũ cuốn mất nhà, toàn bộ tài sản đã mất hết. Chúng tôi chuyển qua đây khi trong tay không còn thứ gì, chỉ còn mỗi một bộ quần áo khoác tạm trên người lúc chạy lũ. Ngày đầu chuyển đến, nơi đây không có điện, không bếp nên phải nhờ người dân nấu cơm. Sang ngày thứ hai thì đã có điện, họ hàng biết tin cũng từ các nơi đến thăm và mang một số đồ dùng sinh hoạt đến hỗ trợ. Toàn bộ đồ dùng hiện tại gia đình dùng đều là mượn, thực phẩm nấu cơm từng bữa cũng được cho".

Ánh Ngân (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang