Sai lầm trong cách ăn mì tôm gây tổn hại cho sức khỏe

author 15:25 13/07/2015

(VietQ.vn) - Bỏ thói quen “úp mì”; vứt bỏ gói mỡ gia vị; bổ sung thêm rau xanh… là những cách làm tốt cho sức khỏe nếu không thể loại mì ăn liền ra khỏi thực đơn.

Cuộc sống nhiều bận rộn khiến các gia đình không còn nhiều thời thời gian cho các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Thay vào đó là những bữa mì tôm úp vội vừa nhanh vừa tiện. Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều thông tin về tác hại của loại thực phẩm này khiến nhiều gia đình lo lắng nhưng để khắc phục được những bữa ăn mì tôm không đơn giản.

Trước đó, trong nghiên cứu của một tiến sĩ người Mỹ cho biết, việc tiêu thụ mì ăn liền trên 3 lần mỗi tuần có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường và tim mạch. Mì ăn liền còn được cho là rất khó tiêu dù thời gian vào cơ thể lên đến vài giờ; những sợi mì không dễ phân hủy trong cơ thể…

Thừa nhận những tác hại của mì ăn liền đã được giới chuyên môn chỉ ra trong thời gian gần đây, nhưng PGS.BS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết có thể kiểm soát tiêu cực từ gói mì đem lại bằng cách chế biến đúng.

Cách ăn mì ăn liền ít tổn hại cho sức khỏe

Cách ăn mì ăn liền ít tổn hại cho sức khỏe

Không “úp mì”

Tên gọi “mì ăn liền” đã đủ cho người ta hiểu là: nhanh, tiện, ít tốn công sức. Tuy nhiên, nếu muốn không có hại cho sức khỏe, những yếu tố này cần được cân nhắc lại.

Theo BS Lâm, thay vì tiết kiệm thời gian bằng cách cho vắt mì vào tô, đổ nước nóng, đậy nắp đợi chín, nên đun sôi, đổ ra để ráo; tiếp tục nấu nước lần 2 và cho mì đã chín sơ vào chế biến. Bằng cách này, lượng chất béo và một số chất dinh dưỡng không tốt đã bị biến đổi trong vắt mì sẽ giảm được phần nào. Đối với rau và thịt, cần nấu chín trước khi thêm vào mỳ.

Bỏ gói gia vị dầu mỡ

Vốn dĩ, mì ăn liền được chế biến theo phương pháp chiên, tích nhiều dầu mỡ gây béo dễ dẫn đến các bệnh béo phì, tim mạch dù đã có những nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều thực phẩm này có nguy cơ suy dinh dưỡng cao. Trước những chất béo không tốt cho cơ thể đó, BS Nguyễn Thị Lâm đưa ra lời khuyên nên vứt bỏ gói dầu gia vị thường có trong mì.

Thêm rau xanh, đạm

Việc bổ sung nhiều rau xanh vào món mì ăn liền sẽ làm giảm tối đa lượng chất béo thừa. Mỗi vắt mỳ nên thêm khoảng 150 gr rau xanh. Việc thêm rau vào bữa ăn sẽ làm cho lượng lớn các chất béo được cuốn theo xơ từ rau ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, để bữa ăn có thêm dinh dưỡng, mỗi vắt mì nên bổ sung từ 25-30 gr chất đạm như thịt bò, thịt lợn hoặc tôm...

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang