Cách chữa bệnh theo phương pháp dân gian nhờ cà pháo

author 06:39 12/05/2014

(VietQ.vn) – Cà pháo dù được khuyến cáo là có độc nhưng biết dùng đúng cách độc sẽ giảm đi, chỉ có lợi cho sức khỏe, chữa trị được nhiều loại bệnh tật.

Cà pháo - món khoái khẩu có trong bữa cơm gia đình Việt Nam

Cà pháo - món khoái khẩu có trong bữa cơm gia đình người Việt. Ảnh minh họa

Theo cách của dân gian, cà pháo có thể chế biến được nhiều món ngon, bổ dưỡng. Cà pháo dùng ăn sống, tái, chín, luộc, kho, xào, bung, dầm đường tỏi, tương, mắm... Đặc biệt, cà muối là món khoái khẩu của nhiều gia đình. Có thể dùng muối chua hoặc muối sổi ăn không thấy chán. Muối cà với mắm là món ăn kết hợp với thịt động thực vật, ngon, thơm, béo ngậy, bổ hơn. Cà muối ngâm nước có chanh, giữ được trắng không thâm và nén thật chặt để nhăn nheo phía cuống, cho cảm giác “nhìn đã thấy giòn” khi ăn thì “miệng nhai, tai nghe”.

Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, bên cạnh bát nước rau muống vắt chanh, dầm xấu hoặc nước bắp cải luộc dầm cà chua thường có thêm bát cà pháo mới được gọi là “hoàn hảo”.

Thỉnh thoảng, trên đường phố Hà Nội vẫn thấy thấp thoáng có bà, có chị quẩy đôi quang gánh mời chào ăn cà pháo với cháo hoa, đậu phụ. Đây là món quà vặt ngon thơm, mát bổ vào các buổi sáng, trưa, bữa phụ.

Theo Đông y, cà có vị ngọt tính hàn. Trong Trung dược học bản thảo và các sách khác nói cà có tác dụng hoạt lợi (nhuận tràng), lợi tiểu, trị thũng thấp độc, trừ chưng hà (hòn cục trong bụng), chứng lao truyền (ho lao - không phải lao di truyền như có sách đã dịch). Ôn bệnh trong 4 mùa (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa). Hoạt huyết tiêu viêm, chỉ thống. Trong Thực liệu bản thảo nói cà có tác dụng chữa ngũ tạng lao tổn; sách Thực kinh viết cà làm đầy da thịt, ích khí lực, chữa cước khí,... và nhiều chứng bệnh khác.

Cách chữa bệnh từ quả cà pháo:

Cà pháo chữa đại, tiểu tiện đường tiêu hóa chảy máu (trĩ): Lấy cà pháo già sao vàng, tán mịn. Mỗi lần dùng 8g, hòa nước pha giấm loãng để uống. Uống ngày 3 lần. Sách cổ ca ngợi nhiều về công dụng này!

Phụ nữ huyết hư, da vàng: Cà pháo già bổ ra phơi trong bóng râm cho khô, tán mịn. Mỗi lần uống 8g với rượu hâm nóng. Ngày 2 lần, uống dài ngày.

Cà pháo góp phần chữa bệnh cho người dùng

Dùng cà pháo đúng cách góp phần đẩy lùi bệnh tật. Ảnh minh họa

Chữa ho lâu năm không khỏi: Cà pháo tươi 30-60g nấu chín, cho mật ong vừa đủ nấu lại. Ngày ăn 2 lần

Đau răng, viêm lợi: Lấy cà muối lâu năm đốt tồn tính, xát than này vào răng, lợi. Nếu không có cà lâu năm thì dùng cuống quả cà, đốt tồn tính cũng được.

Trị đau răng, răng lung lay, nha chu viêm: núm cà pháo 1kg, ngâm 1 lít nước muối (100g muối cho 1 lít nước), ngâm một đêm. Sáng ra vớt ra để khô, sao cho khô, tán thành bột. Dùng để xát vào răng. Đây là kinh nghiệm của Ohsawa dựa trên nguyên lý điều chỉnh âm - dương, trong đó, núm cà (âm), muối (dương), ngâm nước (âm), sao khô (dương). Làm thành bột (có âm + dương), trên lâm sàng chúng tôi nhận thấy có kết quả khá tốt.

Chín mé ở ngón tay, ngón chân: Dùng quả cà muối, khoét một lỗ vừa cho lọt ngón tay, hoặc bổ đôi quả cà, đút ngón tay bị chín mé vào, băng lại, ngày 1 lần.

Chữa sưng tấy: Dùng quả cà mài với giấm bôi, hay giã nhỏ, chưng với giấm đắp vào.

Chữa đái buốt ra máu, đi lỵ ra máu hay loét ruột chảy máu: Dùng rễ và cây cà khô 40g sắc uống.

Chân bị nứt nẻ và giá lạnh hay mùa hè ngón chân sưng đau: Dùng rễ và cây cà khô nấu nước ngâm rửa.

Chữa đầu vú bị nứt nẻ: Lựa quả cà già đã bị vỡ ra, phơi trong bóng mát cho khô rồi đốt tồn tính. Xong nghiền nhỏ hòa với nước mà xức vào chỗ đau.

Bị đứt chân tay, hoặc bị vết thương do đâm chém, ngã vấp: Dùng lá non của cây cà pháo giã nhỏ, đắp vào chỗ đau.

Bị mụn nhọt ung độc: Dùng 7 cái núm quả cà cùng với lượng hà thủ ô tương đương, đổ nước nấu kỹ hai thứ mà uống.

Mặt nổi mụn sần sùi, đỏ tía: Dùng núm quả cà cho vào bột lưu huỳnh, trộn đều tán kỹ rồi đem chấm vào chỗ mụn hoặc chà xát vào chỗ sưng đau.

Trị sâu bọ, kiến cắn mà làm độc: trái cà pháo tươi, giã nát đắp vào có thể chống sưng và không làm mủ.

Trị đinh nhọt và viêm mủ da: giã lá tươi và đắp vào chỗ đau.

Trị ong (vò vẽ) đốt, nứt nẻ ở bàn chân, kẽ chân: quả giã nát với lá lốt, lấy nước bôi.

Trị nhọt lở loét: tai quả cà nấu uống rất tốt.

Trị chân tay bị nứt nẻ và giá lạnh: dùng rễ và cây cà khô nấu nước ngâm rửa.

Nguyễn Nam (s/t)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang