Cải cách thể chế vì mục tiêu thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

author 06:36 05/02/2019

(VietQ.vn) - Dấu ấn từ cải cách thể chế trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong năm 2018 đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Với việc tích cực triển khai quyết liệt thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Cắt giảm chi phí kiểm tra chuyên ngành; Thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN tạo thuận lợi thương mại; Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Thúc đẩy mô hình sản xuất thông minh, đô thị thông minh, nông nghiệp hữu cơ, hiệu suất năng lượng; ... năm 2018 ghi nhận một năm có dấu ấn đặc biệt trong việc cải cách thể chế trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL).

Với việc đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý cùng những cải cách về thể chế, các doanh nghiệp Việt Nam đã được tháo gỡ khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu cũng được đẩy mạnh (ảnh minh họa)

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị đã được Tổng cục khẩn trương triển khai và cụ thể hóa thành chương trình hành động. Với sự quyết tâm, đoàn kết triển khai của tập thể Lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể:

Thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP; Nghị quyết số 75/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP, Tổng cục đã chủ trì xây dựng, báo cáo Bộ KH&CN xem xét, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Nghị định số 74/2018/NĐ-CP) và Nghị định số 78/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 127/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Nghị định số 74/2018/NĐ-CP đã đổi mới phương thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang hậu kiểm gắn liền áp dụng nguyên tắc rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân áp dụng miễn kiểm tra hàng nhập khẩu; Đối với hàng hóa áp dụng biện pháp hậu kiểm, thời gian kiểm tra và thông quan hàng hóa chỉ tối đa 01 ngày; đối với hàng hóa nhập khẩu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 03 lần nhập khẩu liên tiếp có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 02 năm.

“Việc áp dụng từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều tỷ đồng từ việc tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc trong thông quan hàng hóa nhằm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”, ông Vinh cho biết.

Bên cạnh đó, Tổng cục TCĐLCL cũng đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN và hiện nay là Nghị định số 74/2018/NĐ-CP (trong thời hạn 01 ngày xác nhận để thông quan hàng hóa và thực hiện hậu kiểm) và đồng thời tiếp tục duy trì việc quản lý 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 93,3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN theo cơ chế hậu kiểm; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức ĐGSPH đẩy mạnh việc thừa nhận kết quả thử nghiệm, chấp nhận kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm tại nước ngoài, đồng thời thực hiện cơ chế đánh giá tại nguồn để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa theo lô hàng.

Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế Bộ KH&CN, là đơn vị đầu mối đề tham mưu, xây dựng phương án trình Bộ KH&CN để trình Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa, bãi bỏ 63/121 (56,09%) điều kiện đầu tư, kinh doanh (Trong đó riêng lĩnh vực TCĐLCL đã cắt giảm, đơn giản hóa được 46/63 điều kiện đầu tư kinh doanh chiếm 73% của toàn Bộ KH&CN và so với điều kiện kinh doanh lĩnh vực TCĐLCL đã cắt giảm được 48/82 tại 03 Nghị định tương đương 56,09%) .

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần các Nghị quyết của Chính phủ, Tổng cục đã trình Bộ KH&CB để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án tổng thể về triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc.

Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN: Tổng cục đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính để thực hiện việc kết nối thành công cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Qua đó, việc thực hiện các thủ tục kiểm tra nhà nước chất lượng hàng hóa nhập khẩu được thực hiện trực tuyến cấp độ 4, giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành cho Doanh nghiệp nhập khẩu, đáp ứng về cải cách hành chính theo yêu cầu Nghị quyết của Chính phủ.

Tính đến nay đã có 08 Tổ chức ĐGSPH và 09 Chi cục TCĐLCL tham gia tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên cơ chế một cửa quốc gia và có trên 4.700 hồ sơ đã được giải quyết trên một cửa quốc gia.

Tiêu chuẩn kỹ thuật là 'chìa khóa' giúp DN Việt xuất khẩu nông sản vào thị trường quốc tế(VietQ.vn) - Tiêu chuẩn kỹ thuật là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như xuất khẩu chính ngạch vào thị trường nông sản quốc tế.

Bảo Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang