Cải thiện năng suất lao động là yêu cầu đầu tiên đối với phát triển bền vững

author 11:02 08/12/2020

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thì tăng năng suất lao động là yêu cầu đầu tiên.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam và làm suy giảm đà tăng trưởng… Khảo sát từ Tổng cục Thống kê với hơn 156.000 doanh nghiệp tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước vào trung tuần tháng 9 vừa qua dưới hình thức trực tuyến cho thấy, đối với các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì chịu tác động từ dịch càng nặng nề. Cụ thể, các doanh nghiệp lớn bị tác động của Covid-19 chiếm tới 86% trong khi các doanh nghiệp siêu nhỏ bị tác động là 82,6 %, doanh nghiệp càng lớn đều có chuỗi giá trị liên kết trong nước và toàn cầu càng lớn, do đó thì chắc chắn tác động càng nhiều.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, mặc dù đất nước đã bước đầu thành công trong việc khống chế dịch bệnh, tuy nhiên kinh tế đất nước đang phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến hiệu quả sử dụng đầu tư công, gia tăng nợ xấu trong ngành ngân hàng và thách thức trong việc đảm bảo an sinh xã hội… Chính những vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải lưu tâm nhiều hơn đến cải cách, đặc biệt là chủ động phát triển bền vững và hội nhập hiệu quả…

Yêu cầu đặt ra là phải chuyển dịch cơ cấu lao động sang những ngành nghề có năng suất lao động cao, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng lớn. Ảnh minh họa. 

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Bản thân cách tiếp cận và ưu tiên cải cách cũng phải thích ứng với bối cảnh mới. Yêu cầu căn bản tiếp tục là phải cải thiện năng suất, sức cạnh tranh nền kinh tế của các ngành hàng và các doanh nghiệp. Đặc biệt cần đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và thực hiện chương trình nghị sự về phát triển bền vững nhằm tạo thêm động lực cho sự phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới". 

Còn chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành nhận định, trong bối cảnh mới các doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề “tiêu dùng xanh”, sau dịch thì sẽ càng được đẩy lên và cẩn trọng hơn với các loại hàng hóa về thực phẩm, y tế. Nêu quan điểm dịch bệnh Covid-19 cũng như “chất xúc tác” cho công nghệ số, doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế so sánh về chi phí lao động, vận chuyển, dịch vụ kết nối và xử lý thông tin… tiếp tục chuyển động cùng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhất là vấn đề chuyển đổi số…

Về phía cơ quan quản lý, cùng với việc khống chế dịch, nhà nước cần tiếp tục công cuộc cải cách gắn với xu thế mới, tận dụng các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư. Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cải thiện năng suất lao động là một trong những yêu cầu đầu tiên đối với phát triển bền vững. Theo đó, sự phát triển của kinh tế số chắc chắn sẽ là một trong những động lực làm tăng năng suất mới. Khi đó, tự động hóa, số hóa sẽ dần thay thế nhiều khâu trong quy trình sản xuất của nhiều ngành kinh tế, góp phần làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận…

Công ty Cổ phần H&T áp dụng Lean để nâng cao năng suất chất lượng(VietQ.vn) - Đa số nhân viên, công nhân tại Công Ty Cổ Phần H&T chưa được qua đào tạo hoặc chưa có kinh nghiệm thực hiện công cụ cơ bản (LEAN) và cách thức tổ chức nơi làm việc chưa được khoa học, do vậy, với sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn từ Trung tâm Kỹ thuật 3 (QUATEST 3), Ban lãnh đạo công ty đã đặt ra mục tiêu triển khai công cụ Sản Xuất Tinh Gọn LEAN, Đặc biệt là 5S & Quản lý trực quan tại các bộ phận của nhà máy.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang