Cảnh báo: Dễ mắc bệnh về tai vì thói quen ngoáy tai

authorTrần Thanh 17:15 02/09/2016

(VietQ.vn) - Nhiều người cho rằng thói quen ngoáy tai giúp làm sạch tai và dễ chịu. Tuy nhiên, thói quen này lại khiến bạn dễ mắc bệnh về tai

Những nguy hại khôn lường

Anh Trịnh Thế Quyền, 35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, anh thường có thói quen ngoáy tai sau mỗi lần đi bơi hoặc tắm xong nhưng vài ngày sau thì anh bị ngứa tai, đau tai, sau đó anh đến Bệnh viện khám và được các BS chẩn đoán bị viêm tai giữa. Nếu không chữa trị kịp thời thì rất nguy hiểm. Ở dạng nhẹ, anh có thể bị điếc do thủng màng nhĩ. Thậm chí, viêm tai nặng còn có thể gây tử vong.

Các chuyên gia khuyến cáo trong mọi trường hợp không nên ngoáy tai vì dễ mắc các bệnh nguy hiểm về tai ( nguồn: Internet)

Không giống như anh Quyền, trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Anh (43 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) lại có thói quen lấy ráy tai ở tiệm cắt tóc vì anh cho rằng ráy tai là nguyên nhân gây ngứa tai. Sau một thời gian ngứa tai, anh lại dùng oxi già và tăm bông để rửa tai, đến khi tai chảy nước, anh đi khám thì các BS kết luận anh đã bị điếc vĩnh viễn vì không điều trị kịp thời.

Trường hợp của anh Quyền, anh Hoàng Anh chỉ là hai trong số nhiều trường hợp về hậu quả của thói quen ngoáy tai mà nhiều người vẫn thường xuyên thực hiện. Khi ngoáy tai, vô tình ta đã đẩy những chất bẩn vào sâu trong đôi tai, gây ra những căn bệnh nguy hiểm về tai. 

Trong quá trình điều trị, bác sĩ Nguyễn Công Hoàng, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Thái Nguyên từng cấp cứu rất nhiều ca bị mọc nhọt, viêm, chảy máu ống tai thậm chí thủng màng nhĩ dẫn tới bị điếc vì thói quen ngoáy tai. Ngoài ra, một số bệnh nhân cao tuổi còn bị bông rơi, mắc lại trong tai gây ù mà không hề hay biết. Chỉ khi thính giác kém, buộc phải đi kiểm tra bác sĩ, họ mới phát hiện ra điều đó.

Bác sĩ Hoàng cho biết thêm, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm tai giữa nhẹ nhưng do ngoáy tai nhiều và quá sâu gây tổn thương não, làm nhiễm khuẩn ống tai ngoài, tai đau nhức, chảy mủ, ù tai, nghe kém thậm chí một số bệnh nhân đến khám khi ống tai ngoài bị viêm tấy lan tỏa ra nửa mặt, chảy máu lẫn nước mủ ra cửa tai.

Mắc các bệnh nguy hiểm về tai nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ hỏng tai (nguồn: Internet)

Bác sĩ Hoàng cũng khẳng định những bệnh nhân thường xuyên ngoáy tai có tỷ lệ mắc các bệnh như viêm nhiễm, mọc nấm trong cơ quan thính giác nhiều hơn. Không chỉ dễ mắc các bệnh về tai, những người hay ngoáy tai còn có thể mắc các bệnh mũi - họng, vì 3 cơ quan này thông nhau, khi một cơ quan bị viêm, hai cơ quan còn lại cũng dễ mắc bệnh. Mặt khác việc ngoáy tai có thể đẩy khối ráy tai vào sâu hơn trong ống tai ngoài, thậm chí ấn sát vào màng nhĩ gây đau tai, chảy máu tai. Ngoài ra, nhiễm khuẩn từ tai có thể gây tử vong. 

Đối xử tốt với 'vệ sĩ trung thành'

Theo nghiên cứu, ráy tai có chức năng bảo vệ thành ống tai. Khi những hạt bụi bẩn trong không khí hoặc côn trùng nhỏ nếu chẳng may bay vào lỗ tai thì chất nhờn ráy tai sẽ ngăn không cho chúng đi sâu vào bên trong, tránh gây tổn hại cho thính giác. Vì vậy, chúng ta nên đối xử tốt với “vệ sĩ trung thành” của mình, không được tự ý ngoáy tai để tránh những biến chứng khôn lường.

 

Ngoáy tai bằng vật nhọn có thể gây tổn thương màng nhĩ ( Nguồn: Internet)

Bác sĩ Nguyễn Công Hoàng khuyến cáo rằng khi ngứa tai, tức là ống tai ngoài đang bị tổn thương, càng ngoáy sẽ làm thương tổn lan rộng và nặng nề hơn. Lúc này nên nhỏ thuốc dùng cho tai ngoài trong vòng một tuần. Những loại thuốc nhỏ tai dùng trong trường hợp viêm ống tai ngoài là những thuốc dùng trong khi màng nhĩ không thủng, chủ yếu là những thuốc điều trị bệnh lý của ống tai ngoài như viêm ống tai ngoài, nhọt ống tai ngoài, chấn thương rách da ống tai như polydexa, thuốc sát khuẩn tại chỗ betadine... đôi khi có tác dụng giảm đau của màng nhĩ khi sung huyết trong viêm tai giữa cấp giai đoạn đầu của bệnh như otipax.

Còn theo Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh thì không nên dùng bông ngoáy tai hoặc những vật sắc nhọn ngoáy tai, bởi nó sẽ viêm nhiễm và có thể thủng màng nhĩ. Khi đi bơi hay tắm, nên dùng bông tai bịt lỗ tai để nước không vào trong tai được. Sau đó, dùng nước khoáng sạch hoặc nước muối nhỏ vào tai thì toàn bộ nước bẩn sẽ tự động ra ngoài. Còn khi cảm thấy ngứa tai và khó chịu ở tai, tốt nhất nên đi đến các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám và điều trị, tránh ảnh hưởng các bệnh về tai.

Lưu ý

Khi gặp tình trạng ngứa tai thì tốt nhất chúng ta nên xoa bóp nhẹ ở vành tai ngoài thay vì cho dụng cụ vào bên trong để ngoáy bởi khi chúng ta dùng bông tăm ngoáy tai thì vi khuẩn dễ xâm nhập vào đôi tai dễ gây bệnh. Lúc này, các bạn hãy sử dụng thuốc nhỏ tai (có bán ngoài hiệu thuốc) nhỏ vào tai trong khoảng 5 – 10 phút rồi dốc ngược để nước dư chảy ra ngoài. Thực hiện liên tục trong 1 tuần.

Khi đi bơi hoặc khi tắm, nếu nước vô tình vào trong ống tai thì lấy que tăm bông đặt nhẹ vào trong ống tai, để yên trong vòng 5 phút, nước sẽ bị bông khô tự động hút hết, tuyệt đối không nên lau chùi nhiều và ngoáy sâu vào bên trong.

Nếu sau khi ngoáy tai đau và chảy máu phải điều trị tại các cơ sở tai mũi họng: Đặt thuốc, nhỏ thuốc tai tại chỗ nếu viêm ống tai ngoài mức độ nhẹ. Nếu nặng phải dùng kháng sinh, kháng viêm toàn thân kết hợp với giảm đau và làm thuốc tai tại chỗ.

Khi bị ngứa tai nên đến các cơ sở Tai Mũi Họng uy tín để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng về sau ( Nguồn: Internet)

Đối với những người không thể từ bỏ thói quen lấy ráy tai sau khi cắt tóc, gội đầu ngoài hàng, các bác sĩ khuyến cáo rằng nên tự sắm cho mình một bộ dụng cụ riêng để đảm bảo vệ sinh, nên dặn nhân viên thao tác nhẹ nhàng khi lấy ráy tai. Nếu gặp ráy tai khó lấy thì không cố sức bới móc mà nên đến phòng khám tai mũi họng để được giải quyết. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang