Câu chuyện giáo dục: Vào trường chuyên để làm gì?

author 19:00 25/06/2016

(VietQ.vn) - Sau ba ngày học sinh nhận được điểm thi tuyển sinh các cấp đầy căng thẳng và sôi động, câu chuyện học và thi trường chuyên lại một lần nữa trở thành tâm điểm: Vào trường chuyên để làm gì?

"Status này để chúc mừng con gái, và để... khoe con như bao bậc cha mẹ khác.

Con đã tưởng phải bỏ học giữa chừng vì không hoà nhập được với môi trường học tập mới khi trở về cùng gia đình.

Shock, stress, trầm cảm, lạc lõng vì không có bạn, tiếng Việt ngô nghê, bị cô cho là đầu óc có vấn đề do nói thật, bị thầy doạ đánh gẫy chân vì bênh bạn, chán đời bỏ học ở nhà, muốn chết vì bế tắc... nói chung là đủ cả.

Vậy mà con đã vượt qua tất cả để vươn lên để có kết quả thi vào 10 rất tốt. Giờ là lúc con phải lựa chọn:

  1. Vinschool (trường cũ mến yêu, có học bổng).
  2. HN-Ams (chuyên Anh, thi để thử sức).
  3. Chu Văn An (truyền thống trăm năm).
  4. Kim Liên (vào thẳng, gần nhà).

Chúc mừng con. Cảm ơn các thầy cô và các bạn đã đồng hành cùng con.

Giờ nhìn lại thấy như chơi trò cảm giác mạnh. Lúc nào rảnh sẽ chia sẻ cùng mọi người”.

Đọc những dòng chữ của tiến sĩ Giáp Văn Dương trên Facebook cá nhân của anh, tôi chợt nhớ 5 năm về trước.

Khi đó, lần đầu tiên tôi nghe anh kể chuyện hai vợ chồng, vốn đang thành danh ở Singapore, nhưng lúc nào lòng cũng mong tìm một cơ hội trở về quê nhà Việt Nam, góp chút công sức nhỏ bé của hai vợ chồng đã có hành trình gần 10 năm học hành, đi làm nơi xa xứ.

Rồi cuối cùng hai vợ chồng cũng vẫn quyết định.

Năm 2011, hai anh chị đưa hai cháu nhỏ cùng về. Họ không ngờ được, cái khó khăn nhất họ gặp phải, chính là việc học của con cái.

Hôm nay tôi có câu chuyện về việc học sinh Việt Nam, cảm nghĩ của các ông bố bà mẹ và việc thi cử.

Chuyện là cháu trai tôi ,quê Nha Trang, năm nay thi vào lớp 10, cùng một số bạn thân đăng ký thi thêm trường chuyên Lê Hồng Phong ở TPHCM.

Kết quả, cháu là một trong 3 thí sinh ở Nha Trang đậu kỳ thi này.

Hôm xem điểm, mẹ cháu kể, có bạn của cháu, vừa tham gia thì trường chuyên Lê Quý Đôn, vừa đăng ký thì Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM vì nghe nói trường đó tốp đầu.

Cậu bé đó buổi sáng thi xong Lê Quý Đôn thì ngay lập tức bay chuyến bay ngay trưa để đầu giờ chiều vào thi trường phổ thông năng khiếu.

Ngày hôm sau cũng vậy, một ngày cậu bay 4 chuyến máy bay để thi hai trường Nha Trang - Sài Gòn. Cuối cùng thi nghe nói cậu cũng đậu cả hai trường. Nhưng ba mẹ cậu vẫn quyết định cho cậu học ở Nha Trang.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao cậu bé đó lại đi 1 ngày 4 chuyến bay để thi hai trường cách xa nhau hơn 400km, chỉ để… thử sức, hay “thi cho biết?”.

Khi cháu trai tôi đậu, gia đình anh chị tôi bị… bất ngờ vì tính cho cháu thi cũng để “thử sức”, thậm chí lúc đầu còn khẳng định nếu có đậu thì cũng không cho học.

Giờ cháu đậu rồi, chị gái tôi cả đêm không ngủ. “Chị không nghĩ ngợi gì nhưng trong lòng khó chịu quá, biết vậy đừng cho nó đi thi. Giờ nó đậu rồi chẳng lẽ không cho nó đi học?”

Con gái tôi, năm nay thi lên lớp 6, cũng “thử sức” thi vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa.

Suốt 5 năm tiểu học, tôi cho cháu học trường tư vì không muốn cháu không đi học thêm.

Trong lớp cháu, có mấy bạn học khá giỏi nên rủ nhau đi thi trường chuyên… cho biết.

Kết quả là 4 bạn thi thì chỉ có bạn trai đậu điểm khá cao, còn 3 bạn gái thì điểm trung bình, không đậu.

Lúc đầu, tâm trạng tôi khá thất vọng. Nhưng sau đó, tôi lại nghĩ sở dĩ mình cho con đi học là không phải là để thi cử hay vào trường chuyên mà là muốn cháu có một môi trường giáo dục tốt và cháu vừa học, vừa được rèn luyện kỹ năng sống.

Vì thế cuối cùng, tôi nói với cháu, con cứ chọn trường con muốn vô học, mẹ sẽ đăng ký cho con.

Và cháu chọn trường Đức Trí.

Từ đó, tôi nhận ra ngay, việc cho con “thử sức” là không đúng, dù đó là lựa chọn của con. Tôi đã có chút háo thắng trong chuyện này. Vì thế, tôi nghĩ, mình suýt nữa đã dẫm vào vết xe đổ cùng hàng triệu người khác.

Dù kết quả có vui hay buồn, có lẽ không nên cổ xúy cho việc “thử cho biết”.

Câu chuyện khiến cho tôi nhận ra vài điều.

Hầu hết cha mẹ hiện nay vẫn coi trọng trường điểm, trường chuyên hơn là một một môi trường giáo dục giúp bé đạt được ước mơ bằng khả năng thật sự của bé, và có khi chỉ đơn giản là ngôi trường vừa sức con.

Điều quan trọng là cha mẹ hãy cùng con và tôn trọng quyết định của con cái. Tôi nghĩ, điều đó sẽ giúp cho cả gia đình không có những xung đột, tranh cãi khiến đứa trẻ bị tổn thương tâm lý.

Ngân Hà

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang