CEO Nguyễn Bạch Điệp: 'Không còn chuyện cá lớn nuốt cá bé'

author 14:04 11/05/2019

(VietQ.vn) - "Không còn chuyện cá lớn nuốt cá bé. Mà hiện tại, bất kể con cá nào cũng có thể làm nên chuyện, nếu biết tận dụng công nghệ", bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail) chia sẻ.

Sự kiện: Khởi nghiệp

Cơ hội nhiều sao vẫn gặp khó khăn?

Những năm gần đây, Việt Nam ký rất nhiều hiệp định thương mại quốc tế, song phương, cùng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển, mở ra nhiều cơ hội. Tuy nhiên, giới doanh nhân nữ Việt Nam vẫn gặp khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail) cho rằng, nhìn nhận nguồn vốn đổ về từ nước ngoài và cách mạng công nghệ 4.0 chính là những cơ hội đang mở ra. "Không còn chuyện cá lớn nuốt cá bé. Mà hiện tại, bất kể con cá nào cũng có thể làm nên chuyện, nếu biết tận dụng công nghệ", bà Điệp nói. Thậm chí, bất kể là giới tính nào.

Tuy nhiên, theo CEO FPT Retail, khó khăn với phụ nữ là tính cách cầu toàn và ít liều lĩnh hơn đàn ông, nên không dễ nắm bắt cơ hội. Nói về chuyển giao thế hệ trong tập đoàn, bà Điệp là người nằm giữa, vừa chuyển giao vừa nhận chuyển giao.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail)

Nữ doanh nhân có ảnh hưởng nhất Việt Nam (do tạp chí Forbes bình chọn tháng 3/2019): "Tôi ghét câu 'Trương Gia Bình không thể có người thay thế'", bà nói về TGĐ FPT cũ hiện giữ vai trò chủ tịch. "Và cũng không ưa gì câu 'Không có Bạch Điệp, không có FPT Retail'". Bà Điệp nêu bằng chứng sau khi ông Bình rời ghế TGĐ FPT năm 2009, doanh nghiệp của họ vẫn tăng trưởng đều.

Chia sẻ về ông Trương Gia Bình, điều học được chính là mô hình "Sư phụ, đệ tử", tức là thu nhập các giám đốc bộ phận tính theo số lượng "đệ tử" họ thu nạp được. Ngoài ra là mô hình Task Force (Đội đặc nhiệm), giao nhân sự "chiến đấu" ở mọi vị trí trước khi đủ sức về làm lãnh đạo.

Phụ nữ cần truyền lửa, những cánh tay nối dài, hợp sức để cạnh tranh tầm quốc gia

Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương bộc bạch muốn thoát khỏi cái bóng "con gái ông chủ". Cô Phương thấy điểm mạnh của nữ giới là khả năng thay đổi theo điều kiện. "Sự thích nghi cần thiết để đổi thói quen người tiêu dùng", cô nói. Nhưng Uyên Phương cho rằng họ cần có nơi truyền lửa, cần những cánh tay nối dài, hợp sức mới có thể cạnh tranh tầm đa quốc gia. Vấn đề khi ấy nằm ở mạng lưới kết nối cho doanh nhân nữ, đặc biệt trong khối tư nhân.

 Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương 

Còn "người đàn bà thép", Chủ tịch BRG Group Nguyễn Thị Nga thì ví von chuyện thích nghi của phụ nữ như nấu một bữa cơm. "Nấu một món mà hôm nay chồng không vừa miệng, thì mai mình đổi món". Theo bà Nga, nữ giới Việt cần cù và nhạy bén nhưng chưa kết nối được để tạo sức mạnh cộng hưởng.

Nghiên cứu "Phụ nữ trong kinh doanh" mới đây do Grant Thornton quốc tế thực hiện chỉ ra, Việt Nam có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao xếp nhì châu Á, vượt Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản, nhưng lại chưa khai thác hết tiềm năng mạng lưới. "Cái gì chưa mạnh thì hợp với người mạnh hơn, để cùng tiến", bà Nga nêu quan điểm.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang