'Chắc ai đó sẽ về' có 'đạo nhạc' ?

author 22:40 01/11/2014

Những ngày qua, ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" do Sơn Tùng M-TP sáng tác và trình bày đang trở thành tâm điểm của dư luận khi không ít ý kiến cho rằng ca khúc này “đạo” từ nhạc Hàn. Điều đáng nói là trong khi chuyện “đạo” hay không vốn dĩ thuộc về vấn đề chuyên môn thì không ít người lại chạy theo tâm lý đám đông để kết luận một cách vội vàng…

Ca sĩ Sơn Tùng MTP biểu biến Ca sĩ Sơn Tùng MTP biểu biến "Chắc ai đó sẽ về". Ảnh minh hoạ

“Đạo” hay không “đạo”?
Chắc ai đó sẽ về là ca khúc vừa ra mắt vào cuối tháng 10 và lập tức tạo nên “cơn sốt” trong cộng đồng mạng với hàng loạt lượt nghe, chia sẻ, thậm chí là những bản cover liên tiếp xuất hiện. Tuy nhiên, dân mạng nhanh chóng phát hiện ra rằng ca khúc này “có gì đó” giống với ca khúc Because I miss you của nam ca sĩ Hàn Quốc Jung YongHwa.

Vậy là với việc tìm ra “có gì đó” giống nhau, cái án “đạo nhạc” lập tức được một bộ phận dân mạng đưa ra và gán cho ca sĩ nước nhà.

Theo tìm hiểu từ những nhạc sĩ có uy tín, phần lớn đều cho rằng hai ca khúc Chắc ai đó sẽ vềBecause I miss you khác nhau hoàn toàn ở phần lời và giai điệu, chỉ có phần giống nhau ở vòng hòa âm.

Vậy vòng hòa âm là gì? Đây là đơn vị cấu trúc nên một bản nhạc. Tuy nhiên, những người “ngoại đạo” có thể sẽ không biết rằng từ những vòng hòa âm cơ bản vẫn có thể tạo nên rất nhiều bản nhạc khác nhau trên thế giới. Điều đó cũng có nghĩa rằng nhiều bản nhạc có thể cấu tạo chỉ từ một vòng hòa âm.

Ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng MTPCa khúc Chắc ai đó sẽ về (trái) và Because I miss you, nhạc sĩ uy tín cho rằng hai ca khúc có phần giống nhau ở vòng hòa âm nhưng khác nhau hoàn toàn ở phần lời và giai điệu. Ảnh T.L

Liên quan đến vấn đề này, nhạc sĩ trẻ Lê Đức Hùng (tác giả ca khúc Bác làm vườn và con chim sâu, từng được đề cử hạng mục Nghệ sĩ mới của năm và Bài hát của năm tại giải thưởng Cống hiến 2013) đã có những phân tích khá rõ về chuyên môn trong một chia sẻ trên mạng xã hội, nhận được hơn 5.000 lượt like và 1.200 lượt chia sẻ.

Anh cho rằng một bài hát được gọi là "đạo nhạc" khi giai điệu của nó giống 80 - 100% giai điệu của một bài hát khác. Việc vòng hòa âm của hai bài hát giống nhau không phải là căn cứ để nói "đạo nhạc".

“Có rất nhiều bài hát đi vòng hòa âm giống nhau nhưng giai điệu khác nhau vẫn được tính là tác phẩm gốc như thường. Hai bài hát này (Chắc ai đó sẽ vềBecause I miss you - NV) đi vòng hòa âm khá giống nhau (mặc dù không giống hoàn toàn) nhưng giai điệu thì hoàn toàn khác nhau. Các nốt nhạc đi rất khác nhau, triển khai giai điệu cũng rất khác nhau… Tóm lại, bài Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng không đạo nhạc”, nhạc sĩ trẻ Lê Đức Hùng kết luận.

Cũng có kết luận giống như nhạc sĩ Lê Đức Hùng, nhạc sĩ Thái Thịnh chia sẻ: “Tôi đã nghe qua cả hai ca khúc này và có nhận xét như thế này: Nếu ghi nốt ra thì hai bài này hoàn toàn không giống nhau, nghĩa là hai bài này hoàn toàn khác nhau về giai điệu (melody). Còn về vòng hòa âm được xem là giống nhau ở cả hai bài thì đây là vòng hòa âm rất phổ thông, nếu không gọi là vòng hòa âm “vỡ lòng”, không có gì cao siêu hết. Ai mới học nhạc cũng có thể viết được. Nhiều bài có vòng hòa âm như vậy lắm chứ không riêng hai bài này”.

Tác giả của Để nhớ một thời ta đã yêu cũng khẳng định: “Với người sáng tác, việc đầu tiên là tạo ra giai điệu, sau đó là viết lời và cuối cùng là hòa âm thì khi đó có thể trùng hợp nhau ở vòng hòa âm - tức là những hợp âm mà người đánh đàn dựa theo. Vì vậy, nếu hỏi tôi ca khúc Chắc ai đó sẽ về có phải “đạo nhạc” không thì tôi sẽ trả lời là không vì giai điệu ca khúc này hoàn toàn khác với ca khúc Because I miss you. Khi nào mà phần giai điệu, phần lời giống nhau thì mới có thể nói là đạo”.

Sơn Tùng MTP và Sơn Tùng M-TP từng bị rút ba ca khúc khỏi bảng xếp hạng của chương trình Bài hát yêu thích do sử dụng beat trên mạng để sáng tác. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng dù chưa đủ yếu tố để kết luận là “đạo nhạc” nhưng việc sáng tác dựa trên một bản beat (bản hòa âm) có sẵn sẽ dễ khiến bài hát chịu sự ảnh hưởng nhiều từ tiết tấu đến giai điệu của bài nhạc gốc.

Như nhạc sĩ - ca sĩ Trịnh Thăng Bình cho biết: “Có chăng thì những người khéo léo và có thẩm mỹ âm nhạc tốt sẽ biến đổi nó đi theo một hướng khác khó nhận biết hơn và thậm chí là có khi còn xuất sắc hơn bản gốc nhưng nó vẫn phải chịu sự ảnh hưởng nhất định. Cho nên tốt nhất, một là tự leo lên đàn mà tạo ra giai điệu của riêng mình, còn không thì làm như nước ngoài là họ tự có ê kíp sản xuất beat cho riêng họ để sáng tác luôn cho khỏi va chạm”.

Trở lại với trường hợp của Sơn Tùng M-TP, đây không phải lần đầu chàng ca sĩ trẻ này vấp phải “nghi án đạo nhạc” bởi trước đó, hầu hết các ca khúc của anh như Cơn mưa ngang qua, Em của ngày hôm qua… cũng đều bị mang ra mổ xẻ.

Bản thân Sơn Tùng M-TP cũng từng lên tiếng thừa nhận việc “vay mượn” beat nước ngoài để sáng tác nhạc và cho đó là cách làm phổ biến trong giới sáng tác hiện nay. Tuy nhiên, cách làm này là bình thường hay bất thường thì vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi trong giới chuyên môn. Nhất là khi mới đây, nhóm FB Boiz đã phải trả lại giải thưởng Bài hát của tháng cho chương trình Bài hát Việt sau khi ca khúc Tương tư của nhóm bị phát hiện “vay mượn” beat từ nước ngoài.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: "Xét nhiều khía cạnh thì khó có thể nói ca khúc Chắc ai đó sẽ về là "đạo nhạc" được vì nó chỉ giống vòng hòa âm với ca khúc nhạc Hàn mà thôi. Tuy nhiên, tôi không đánh giá cao cách làm của Sơn Tùng vì với những người nghệ sĩ thì lòng tự tôn của họ rất cao, họ luôn muốn tôn vinh những sáng tạo của mình, không muốn sản phẩm dựa trên sáng tạo của người khác. Khi còn trong giới underground thì Sơn Tùng có thể dùng beat người khác để sáng tác và giao lưu với bạn bè nhưng khi đã là nghệ sĩ của công chúng thì phải có sự tôn trọng chất xám của người khác và sự tự tôn riêng của bản thân, như vậy mới xứng là nghệ sĩ, nếu không thì mãi chỉ là một cậu bé chơi trò âm nhạc mà thôi".

“Chắc ai đó sẽ… đạo”

Điều đáng nói là trong khi việc kết luận một tác giả, một ca khúc có phải là "đạo nhạc" hay không vốn dĩ thuộc về vấn đề chuyên môn trong âm nhạc nhưng từ việc quan sát cộng đồng mạng trong những ngày qua, có thể thấy rằng không ít người đã vội vàng đưa ra kết luận một cách cảm tính, dựa trên sự yêu - ghét dành cho nghệ sĩ chứ không phải từ những kiến thức về âm nhạc.

Đặc biệt, khi trang fanpage của một nghệ sĩ Hàn (có hơn 6.000 lượt like) bất ngờ “đăng đàn” tố Sơn Tùng M-TP “đạo nhạc” dựa theo tố cáo từ các fan Việt thì bên dưới những dòng chia sẻ này là cuộc tranh cãi nảy lửa giữa một bên chỉ trích Sơn Tùng M-TP, một bên cho rằng chính tâm lý đám đông đã khiến fan Việt đưa ra kết luận vội vã, tự làm xấu chính mình.

Sơn Tùng MTP bị tố đạo nhạc
Trang fanpage của một nghệ sĩ Hàn tố Sơn Tùng M-TP "đạo nhạc"

Từng có nhiều năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, nhạc sĩ Thái Thịnh cho biết thêm: “Chuyện vòng hòa âm giống nhau thì ngay cả nhạc ngoại quốc cũng có rất nhiều trường hợp tương tự nhưng ở nước ngoài, tôi chưa thấy người ta gọi đó là “đạo nhạc” bao giờ. Cách sáng tác dựa trên beat của người khác thì không chỉ Sơn Tùng mà nhiều nhạc sĩ trẻ Việt Nam và trên thế giới cũng áp dụng. Ở nước ngoài, người ta còn có hẳn những website rất lớn và chuyên nghiệp nhằm bán những bản beat có sẵn, không có gì gọi là vi phạm hết. Có những người sau khi sáng tác giai điệu thì họ biến tấu cho bản hòa âm cũng khác đi. Ở Việt Nam, có thể có nhiều ý kiến trái chiều về việc này nhưng có nhiều ý kiến tôi thấy không được “chuyên môn” cho lắm”.

Có thể thấy từ những nghi án “đạo nhạc” trước đây mà lòng tin của khán giả vào nhạc Việt đã vơi đi ít nhiều. Tuy nhiên, mọi kết luận cần phải dựa trên những yếu tố chuyên môn chứ không thể dựa theo cảm tính. Điều đáng tiếc là trong bối cảnh âm nhạc phát triển, nhạc Việt chịu ảnh hường từ nhiều làn sóng âm nhạc khác nhau, điển hình là K-pop nhưng chúng ta vẫn chưa có những quy định rõ ràng về vấn đề sử dụng beat, về thế nào là "đạo" hay không "đạo nhạc"...

Theo Thanh Niên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang