Chậm giảm giá xăng dầu: Lỗi tại ai ?

author 09:01 20/12/2012

(VietQ.vn) - Hiện nay giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh nhưng như bao lần khác giá xăng dầu trong nước vẫn đủng đỉnh, nguyên nhân chính là do quy định quá lạc hậu của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Ông Phạm Việt Tường - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại ( Bộ Công thương) vừa có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.

 Thưa ông vì sao đến thời điểm này giá xăng trong nước vẫn chưa giảm ?

Theo Nghị định 84 thì dưới 7% là được đề xuất giảm giá nhưng mà từ trước tới nay chúng ta chưa bao giờ thấy doanh nghiệp chủ động đề xuất bởi vì Nghị định 84 quy định rõ quy định số lần giảm không cần thiết là phải 10 ngày như quy định mà thấp hơn thì cũng có thể đề xuất giảm do vậy khi tăng thì họ đòi tăng rất nhanh, còn khi giảm thì giảm chậm.

Tất nhiên ở đây còn một vấn đề nữa mà chúng ta phải hiểu và thông cảm cho các doanh nghiệp xăng dầu ở chỗ là nếu tính theo quy định hiện nay thì tính theo chi phí kinh doanh họ có lãi tuy nhiên tính trên thực tế thì họ lại nói là lỗ.

Bởi vì chúng ta biết được rằng chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá xăng dầu tính là 600đ/lít cho 1 lít kinh doanh bán ra , tuy nhiên trên thực tế doanh nghiệp phải chi phí theo như Kiểm toán nhà nước thông báo là 660đ, tức là đã vọt lên đến hơn 200đ/lít như vậy thì doanh nghiệp vẫn lỗ điều đó khiến cho doanh nghiệp không muốn giảm giá.

Tôi cho rằng đó là lí do vì sao hiện nay giá xăng dầu vẫn chưa giảm.

Thực tế cho thấy Nghị định 84 hiện tại có một số bất cập, tuy nhiên việc sửa đổi vẫn chưa đề cập gì đến. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân việc chậm trễ sửa đổi này ?

Theo tôi đúng ra câu hỏi này phải đặt ra cho Bộ Tài chính và Bộ Công thương, tuy nhiên tôi cho rằng là các Bộ phải tính toán thật kỹ và phải trao đổi với các doanh nghiệp, với các nhà nghiên cứu, các nhà phân tích kinh tế để đi đến thống nhất thậm chí là có thể chưng cầu một số ý kiến của các cơ quan ví dụ như Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chẳng hạn để có thể tham khảo những ý kiến mới có thể đề ra những điều chỉnh.

Trong nghị định của chúng ta có thể thấy những phần phải tính toán thật chi tiết như : chi phí kinh doanh tính theo quy định hiện nay hay là tính theo phần mà họ phải chi phí.

Bởi vì nếu tính theo chi phí thực tế thì sẽ có rất nhiều những khoản mà chúng ta phải xem xét. Ví dụ như chi phí bán hàng hiện nay đã là 636đ/lít rồi, chi phí tài chính là trên 200đ…, tất cả những chi phí đó dồn vào chi phí kinh doanh cho nên ở mức này chúng ta cần phải tính toán thật chi tiết.

Ngay từ bản thân chúng ta xác định nếu mục tiêu của chúng ta là ổn định thì chúng ta không cần phải thay đổi mà chúng ta để thời gian kéo dài như hiện nay mới điều chỉnh.

Nếu chúng ta cần phải bám sát giá xăng dầu thế giới thì tôi cho rằng cần pahir có những sự điều chỉnh cần thiết, kịp thời với giá thế giới thì tất cả những điều này Bộ Tài chính, Bộ Công thương cố gắng tập hợp để trình lên Chính phủ một văn bản tốt nhất để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng cũng như lợi ích của nhà nước.

Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu hiện nay là quá lạc hậu

Theo ông với cách điều hành giá xăng dầu như hiện nay thì làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng?

Thứ nhất là đảm bảo bảo cho họ có đủ xăng dầu để tiêu dùng.

Thứ hai là về giá chúng ta mong muốn có một thị trường minh bạch, rõ ràng thì phải có cơ cấu tính giá, giá nhập khẩu là bao nhiêu cần phải thông báo một cách tương đối cho những người cần nắm để có thể kiểm soát được chuyện này.

Thứ ba nữa là vấn đề giá chẳng hạn thì bây giờ chúng ta quyết định mình làm, chúng ta có quyết định rất tiến bộ tức là chúng ta cho phép điều chỉnh giá trong vòng 10 ngày chứ không phải là 30 ngày như trước nữa nhưng đó là yếu tố ở khâu bán lẻ thôi nhưng khâu quan trọng nhất đó là giá luôn luôn biến động theo thế giới.

Giá nhập khẩu về thì chúng ta vẫn cho phép nhập khẩu 30 ngày thì tôi nghĩ cần phải điểu chỉnh lại cho sát với giá thế giới hơn, ví dụ như ở bên Singapore người ta cũng có thể công bố giá trong 10 ngày.

Với mức vượt trong vòng 10 ngày thì doanh nghiệp không nhất thiết phải nhập nhiều thì doanh nghiệp cũng không bị căng thẳng về vốn, đầu tư ban đầu họ không phải bỏ ra một số lượng tiền lớn quá để bù đắp về như vậy họ cũng được lợi trong chuyện này.

Tôi cho rằng đó là lí do giúp cho người tiêu dùng yên tâm về giá xăng dầu và không bị tác động lắm về mặt tâm lí.

Xin cảm ơn ông !

Long Nguyễn (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang